Doanh nhân Việt Nam: Còn vất vả nhưng nhiều cơ hội

06:46 | 26/11/2012

Sáng nay, tại VCCI, Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam với chủ đề “Giữ vững niềm tin - Vượt qua thách thức” đã được diễn ra nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Tới tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh; TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI; ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam; ông Phil Smith - KPMG Việt nam, đại diện VISF/Eurocham; TS Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI; bà Nguyễn Thị Kim Hạnh - GĐ CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao; ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam; cùng đông đảo các doanh nhân.

Quý IV tiếp tục khó khăn

Tại Diễn đàn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố Khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam quý III/2012 đối với doanh nghiệp trên toàn quốc ở các quy mô, ngành nghề khác nhau để nắm được những đánh giá về sản xuất kinh doanh quý III và cảm nhận của quý IV. Đồng thời khảo sát cũng nhằm nắm bắt những phản hồi của doanh nghiệp về những vấn đề nổi cộm trong quý như vấn đề hàng tồn kho và vấn đề nợ xấu.

Kết quả điều tra đã cho thấy trong quý III năm 2012 vừa qua các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều có chiều hướng xấu đi tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là chỉ số về lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm, tổng doanh số, và hàng tồn kho. Chiều hướng này cũng được quan sát thấy ở các quý khảo sát trước đó. Điều đó cho thấy rằng các chỉ tiêu này vẫn là những điểm đáng quan ngại của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chia sẻ những ý kiến của mình về giải pháp xử lý hàng tồn kho và xử lý nợ xấu ngân hàng. Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp áp dụng giải pháp tìm thị trường mới và giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho. Một số lượng lớn các doanh nghiệp cho rằng chính phủ nên thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để giải quyết hàng tồn kho và thực hiện giải pháp hỗ trợ các phương án mua bán hợp nhất các ngân hàng yếu kém để giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng.

Nhìn chung, báo cáo cho thấy tổng quan tình hình sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III/2012 khó khăn hơn nhiều so với quý II/2012. Các doanh nghiệp cũng dự báo rằng tổng quan tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2012 tiếp tục khó khăn hơn so với quý III/2012. Tuy nhiên, mức độ khó khăn của quý IV so với quý III ít hơn so với các mức độ khó khăn của quý III so với quý II/2012.

Có hai chỉ tiêu là tổng doanh số và năng suất lao động bình quân được dự cảm sẽ được cải thiện trong quý IV/2012. Tuy vậy, chỉ dừng lại ở mức độ tăng nhẹ. Điều này thể hiện ở chỗ: Tổng doanh số có xu thế tăng do nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp giải phóng hàng tồn kho trong thời gian qua ở phạm vi doanh nghiệp như giảm giá bán, quảng cáo khuyến mại và ở phạm vi chính phủ như tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không cần thiết. Năng suất lao động bình quân có xu hướng được cải thiện, tuy rằng mức cải thiện là không đáng kể. Giá bán bình quân có xu hướng giảm và được dự cảm có xu hướng giảm chậm lại vào quý IV/2012 so với thực thấy ở quý III/2012. Giá thành trên một đơn vị sản phẩm có xu hướng tăng lên, dự cảm quý IV/2012 sẽ tăng lên nhiều hơn so với quý III/2012. Sản phẩm tồn kho quý III/2012 được đánh giá là giảm so với quý II/2012, trong khi quý IV/2012 được dự cảm sẽ tăng lên so với quý III/2012….

Báo cáo cũng cho thấy kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2012 là quyết định giữ nguyên quy mô kinh doanh, tỷ lệ này chiếm tới 96,7% , vẫn có 18,1% doanh nghiệp được khảo sát có thể mở rộng quy mô kinh doanh đến cuối năm 2012; 11,4% doanh nghiệp có thể giảm quy mô kinh doanh; 0,7% doanh nghiệp có thể tạm dừng hoạt động và 0,2% doanh nghiệp có thể đóng cửa, giải thể.

Cuối cùng, báo cáo đưa ra một số đề xuất để nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua thách thức hiện nay. Thứ nhất, cần phải đẩy mạnh hơn các biện pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp về thị trường, về các yếu tố đầu vào. Các giải pháp tác động đến yếu tố đầu vào và thị trường đầu ra, hỗ trợ trước và trong quá trình sản xuất luôn là những giải pháp mang tính chất bền vững và có ý nghĩa đối với DN.

Thứ hai, cần quyết liệt và đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ thị trường.

Thứ ba, cần có hiện thực hóa các chính sách bằng các chương trình hành động cụ thể như: thúc đẩy thị trường nội địa thì cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp để sao cho hàng hóa có thể xâm nhập vào vùng sâu, vùng xa; cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần đi vào thực chất hơn; cần phân chia ngành nghề cụ thể để có chương trình phù hợp hỗ trợ giải phóng hàng tồn kho…

Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa như việc hạ lãi suất cho vay. Chính sách cũng cần được quan tâm hơn nữa đến việc khuyến khích các ngân hàng có tỉ lệ cao về dư nợ tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp này, tăng cường các hình thức cho vay tín chấp, dựa vào đánh giá định mức tín nhiệm.

Thứ năm, về phía các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay cần quan tâm hơn đến cơ cấu sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm để giải phóng hàng tồn kho, tạo tính thanh khoản cho doanh nghiệp, ưu tiền đảm bảo dòng tiền mặt ổn định, từng bước bắt đầu chu kỳ kinh doanh mới với sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường.

Tái cơ cấu vượt qua thách thức

Bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thuận Thảo (Phú Yên) đã chia sẻ những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu. “Hai năm vừa rồi doanh nghiệp rất khó khăn. Không có một doanh nghiệp nào có thể bàng quan, không suy nghĩ tìm kế để vượt khó, giữ ‘mạng sống’ cho doanh nghiệp của mình” – bà Thanh nói. Vì thế, bà bày tỏ mong muốn, Chính phủ cần có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đặc biệt là nguồn vốn, chứ không nên để doanh nghiệp ‘chết’ nằm đó thì sẽ không còn tác dụng.

Bà Nguyễn Kim Hạnh – Giám đốc câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao khẳng định: "doanh nghiệp là cuộc đời của mỗi doanh nhân nên họ không thể bỏ mặc không lo mà ngược lại phải chạy đôn chạy đáo để ‘vớt vát’ tình thế khó khăn này. Một trong những vấn đề khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp đó là vấn đề nguồn vốn. Mặc dù, nhiều chính sách của Chính phủ đưa ra nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tuy nhiên cũng còn nhiều khó khăn. Thêm nữa, với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng… cũng đang có nhiều bất lợi như khả năng cạnh tranh trên chính thị trường nội địa; hàng tồn kho cao…".

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định: băng giá thì không thể tan trong một đêm. Những khó khăn mà hiện giờ chúng ta đang gặp phải nó được bắt nguồn từ sự mất cân đối về cơ cấu, xuất phát từ tín hiệu thị trường chưa chính xác… những khó khăn từ nội tại trong nước kết hợp với bối cảnh thế giới suy thoái đã càng khiến cho doanh nghiệp chúng ta gặp khó khăn. Chính phủ hiện nay đã và đang đưa ra nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà đặc biệt là chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, gia hạn thuế, hạ dần lãi suất cho vay… Chính phủ trong thời gian tới về mục tiêu lâu dài là đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Để đạt được mục tiêu to lớn là ổn định kinh tế vĩ mô và hướng tới tầm nhìn tăng trưởng thì chúng ta phải tin tưởng vào sự đồng sức đồng lòng của cộng đồng doanh nhân Việt Nam để vượt qua khó khăn. Tôi tin tưởng vào sức sống của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Đồng quan điểm, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những khó khăn mà chúng ta đang gánh chịu là hậu quả từ trước đó. Tuy nhiên, người làm doanh nghiệp, người làm chính sách đều bị hút vào mô hình tăng trưởng vì thế mà khó khăn chưa được giải quyết. Do đó, hiện nay, Chính phủ đặt mục tiêu cao nhất và tập trung các nguồn lực, sự kiên trì để giải quyết vấn đề tái cơ cấu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.Thông tin chung cư 201 minh khai sản phẩm otis nha trang dự án Sunshine Sky Park phân khúc Sunshine Sky Garden chung cư

TS Vũ Tiến Lộc khẳng định: "chắc chắn tình hình kinh tế thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn đồng nghĩa các doanh nghiệp cũng chưa thể lạc quan được. Vì thế, trong giai đoạn khó khăn này các doanh nghiệp cần phải trụ vững và giữ vững niềm tin để vượt khó. Các doanh nghiệp cần đối thoại nhiều hơn nữa với Chính phủ. Các doanh nghiệp đã thành công trong khủng hoảng cũng nên chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp khác, cùng nhau đồng sức đồng lòng vì mục tiêu ổn định kinh tế và tăng trưởng bền vững. Về phía Chính phủ, đề nghị Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, kiên định ý kiến thị trường, đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nhưng trên hết và quan trọng hơn cả là các doanh nghiệp hãy tự cứu mình trước khi kêu cứu lên Chính phủ".

Theo: P/v: N.P - Hồ Hường (DDDN-VCCI)

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji
 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Sien I&D
Vesta
 Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội