Đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ

16:15 | 08/11/2021

Thời gian qua, các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội đã cố gắng khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, nhanh chóng bắt tay vào phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy, gia tăng số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này và nâng cao năng lực cung ứng, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

 

Ngay sau khi thành phố Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới, Công ty cổ phần Công nghiệp phụ trợ TOMECO đã ký kết hợp đồng thuê đất xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ công nghệ cao tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP). Dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2022, chế tạo và cung cấp các sản phẩm theo đơn đặt hàng của đối tác trong lĩnh vực cơ khí chính xác, các linh kiện, phụ kiện quạt công nghiệp, sản phẩm cơ khí phi tiêu chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu cho các tập đoàn đa quốc gia. Nhiều năm nay, doanh nghiệp này đã tham gia vào nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu như cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho Tập đoàn General Electric - GE (Hoa Kỳ), Công ty Greens Combustion (Anh)…

Đây là một tín hiệu vui sau thời gian doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA), gần 90% số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã bị giảm doanh số; 50% số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng và một số doanh nghiệp đã phải chuyển hướng sản xuất. Phó Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Vân cho biết: “Hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã xuất hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi sản xuất cung ứng cho các tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia như Samsung, Canon, Toyota, Ford, hay doanh nghiệp cung ứng cấp 1 cho các chuỗi này như Foxconn… Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tiến độ, quá trình triển khai và phát triển các nhà máy, xí nghiệp, những dự án mới của doanh nghiệp. Tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội có khá nhiều các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội quan tâm đăng ký thuê đất để lập nhà máy, nhưng do dịch bệnh mà các chuyên gia nước ngoài, các đối tác liên doanh không sang được Hà Nội để cùng triển khai, khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội thu hút và sản xuất đáp ứng các đơn hàng quốc tế mới.

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt, đồng thời cũng nhanh chóng phục hồi khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari Việt Nam, Công ty cổ phần sản xuất và phát triển công nghiệp Việt Nhật (INDEMA)… đã chuyển hướng sản xuất các sản phẩm thiết bị y tế hoặc tham gia vào chuỗi sản xuất thiết bị y tế cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Nhiều doanh nghiệp cũng mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất và năng lực thiết bị cho doanh nghiệp. Đồng thời, tìm kiếm những khoản vốn vay ưu đãi để mua sắm máy móc thiết bị, đầu tư dự án nhà máy mới, tăng cường sản xuất đón đầu nhu cầu thị trường dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.

Trong những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã có sự quan tâm và ngày càng khẳng định tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc cung cấp linh kiện, phụ tùng, vật liệu… cho các ngành công nghiệp, lĩnh vực sản xuất khác. Năm 2021, Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng hơn 11%.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố Hà Nội sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tập trung phát triển ba lĩnh vực chủ chốt là: sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may - da giày. Thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Các sở, ngành, hiệp hội, đơn vị liên quan cũng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu… Nhiều chương trình kết nối đã được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các đơn vị sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn: Báo Nhân dân

https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/day-nhanh-toc-do-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-ho-tro-672078/

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji
 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Sien I&D
Vesta
 Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội