BÀI PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH N&G GROUP TẠI KỲ HỌP 9 HĐND TP HÀ NỘI (KHOÁ XV)

03:27 | 28/07/2019

Bài phát biểu của Chủ tịch N&G Group tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 - Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội [khoá XV nhiệm kỳ 2006-2021] sáng ngày 08/7/2019. Được Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tường thuật trực tiếp sáng cùng ngày. Xin trân trọng gửi tới Quý vị.

Kính  thưa: 

- Chủ tọa Hội nghị

- Quý vị lãnh đạo và khách quý

- Quý vị đại biểu HĐND 

Tôi xin được góp ý vào báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của UBND Thành phố.

Thứ nhất, tôi và các cử tri đánh giá cao kết quả mà thành phố chúng ta đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, khối lượng công việc thành phố phải làm đúng với câu nói của một đồng chí nguyên lãnh đạo cao cấp của thành phố là công việc của thành phố như nước Sông Hồng, nhiều và luôn luôn có - không bao giờ ngừng nghỉ và hết được. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới phát triển và biến động vũ bão từng giờ, từng ngày như hiện nay thì chúng ta cần phải có cách làm thực sự khoa học – có phương pháp và tâm huyết để không những giải quyết được các công việc thường xuyên rất lớn như hiện nay mà cần phải dự báo - đưa ra phương án giải quyết các biến động vô lường và sự phát triển của tương lai.

 

Thứ hai, với các nội dung UBND thành phố báo cáo tại kết quả 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019 , tôi xin được góp ý và đưa ra một số đề xuất trong lĩnh vực phát triển công nghiệp của thành phố chúng ta, cụ thể như sau:

+ Theo kết quả UBND báo cáo, chỉ số sản xuất công nghiệp thủ đô tăng 7,1%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,2%. Như vậy nếu trong vòng 10 năm nữa ngành Công nghiệp nói chung của thành phố chúng ta sẽ tương ứng tăng lũy tiến trung bình khoảng 2 - 2,5 lần so với hiện nay, trong khi theo kết quả báo cáo của ngành công thương Việt Nam thì chỉ số này tương ứng tăng trong 10 năm qua là 3,5 lần. Vậy phải chăng ngành SXCN của Thủ đô sẽ tăng trưởng bình quân không bằng 10 năm trước của cả nước ? Nếu theo bước phảt triển này thì thực sự là cần phải nghiêm túc suy nghĩ giải quyết chứ chưa nói đến cần đưa thông điệp báo động cho ngành công nghiệp của Thủ đô.

Vậy Thành phố chúng ta cần phải làm gì để ngành công nghiệp Thủ đô bứt phá đúng với tiềm năng - lợi thế và là đầu tầu lan tỏa - lôi kéo vùng kinh tế trọng điểm phía bắc Việt Nam phát triển? Đây là câu hỏi cần UBND Thành phố và chúng ta cùng trả lời trước cử tri.

Thưa các đồng chí !

Đảng - Nhà nước - Quốc hội hết sức quan tâm chỉ đạo và đã ban hành nhiều nghị quyết để thực hiện. Bộ chính trị đã ban hành nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 . Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.Bộ Công thương đã được giao xây dựng đề án kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025. Bởi ngành công nghiệp được xác định có vị trí cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, do thời gian có hạn, tôi xin được đề xuất với UBND Thành phố như sau:

Thành phố cần xây dựng ngay phương án phát triển công nghiệp trên cơ sở cơ cấu lại ngành công nghiệp Thủ đô đến 2025 và tầm nhìn 2045 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước) bởi đây là mốc mà Đảng – Nhà nước đang đặt ra con đường phát triển Việt Nam chúng ta trong đó đến 2030 Việt Nam chúng ta đứng trong nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp và hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá , đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp phat triển hiện đại . Để góp phần quan trọng thực hiện được mục tiêu này thì thành phố chúng cần xây dựng kế hoạch thật khoa hoc, phải được rà soát, thống kê thật kỹ thực trạng ngành công nghiệp Thủ đô, làm rõ số lượng doanh nghiệp, hộ gia đình đang tham gia sản xuất công nghiệp, thực trạng yếu kém và khó khăn về công nghệ, vốn, lao đông và thị trường ... Phải kiểm soát đánh giá được ngành công nghiệp hỗ trợ đang ở đâu? Cụ thể từng ngành trong công nghiệp hỗ trợ (điện tử, da giày, dệt may, cơ khí…) bởi  ngành công nghiệp hỗ trợ là bài toán quyết định cho ngành công nghiệp phát triển.

Phải đề ra được giải pháp thực hiện thật cụ thể, không chung chung.

Phải đánh giá thật kỹ lưỡng mặt tích cực và tiêu cực của việc Việt Nam tham gia vào chuỗi thương mại – kinh tế toàn cầu thông qua các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP và gần đây là VN – EU; và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là gì tại Thủ đô , cùng với việc gắn kết, thúc đẩy và coi nhân tố quyết định thành công của kinh tế tư nhân, kinh tế tư nhân là người dân, người dân là tri thức, là nhà quản lý, là thợ kỹ thuật cao, là doanh nhân…  Phải có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ cũng như tạo môi trường bình đẳng cho “người dân” tham gia phát triển công nghiệp ( Tôi nói người dân theo ý nghĩa trong ngoặc kép nêu trên).

Song hành với đó là rà soát lại toàn bộ cơ sở hạ tầng cứng (khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp) và các hạ tầng mềm liên quan tới phát triển công nghiệp để quy hoạch, sắp xếp, hỗ trợ phát triển đúng định hướng kinh tế thị trường và định hướng phát triển công nghiệp của Thủ đô. Mặt khác cần có chính sách "trải thảm đỏ" thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghiệp để họ mang công nghệ mới vào hợp tác với các doanh nghiệp Thủ đô và tham gia luôn được vào chuỗi san xuất (tức thị trường ) sẵn có của các doanh nghiệp FDI .

Đi kèm với nó là rà soát toàn bộ các quy định, quy chế.. của thành phố chúng ta kể cả việc bãi bỏ các quy định, quy chế, giấy phép chồng chéo và cản trở phát triển trong lĩnh vực công nghiệp nói riêng. Đề xuất với Chính phủ cắt giảm bổ xung các qui định hiện hành gây bất cập cho các doanh nghiệp công nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Trên đây là nội dung góp ý, xin được trân trọng gửi tới UBND để các đồng chí nghiên cứu giải quyết nhằm đưa ngành công nghiệp thủ đô phát triển đúng với tiềm năng và mong muốn, kỳ vọng của cử tri và nhân dân, doanh nghiệp thủ đô.

Trân trọng cảm ơn !.

---

NGUYỄN HOÀNG

Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2016 – 2021)

Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA)

Chủ tịch điều hành Tập đoàn N&G (N&G Group)

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji
 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Sien I&D
Vesta
 Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội