Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD nhận định: “Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại chúng ta chứng kiến thế giới thay đổi nhiều và nhanh như lúc này. Xã hội đang liên tục thay đổi, đòi hỏi mọi Chính phủ, mọi nền kinh tế, mọi doanh nghiệp cũng phải không ngừng vận động, đổi mới để bắt kịp tốc độ thay đổi. Trong vòng quay đó, chỉ có duy nhất một hình thái phát triển được chấp nhận toàn cầu, đó là phát triển bền vững. Để phát triển bền vững không thể thiếu sự đóng góp của doanh nghiệp. Và ngược lại, doanh nghiệp cần phát triển bền vững để đảm bảo cho tương lai của chính mình.”
Thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân tăng trưởng chất lượng và hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững là định hướng quan trọng đã được Chính phủ đưa ra trong Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 về Phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Nền móng cho một doanh nghiệp bền vững chính là quản trị doanh nghiệp. Năng lực quản trị doanh nghiệp càng tốt thì khả năng doanh nghiệp ứng phó, chống chọi và phục hồi trong khủng hoảng, cũng như vươn lên nắm bắt các cơ hội kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh để “không bị bỏ lại phía sau” càng cao.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh đến nỗ lực của VBCSD-VCCI nhằm thúc đẩy quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI): CSI là một công cụ quản trị doanh nghiệp ưu việt, tập hợp các chỉ tiêu thiết yếu trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội- môi trường mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần nắm bắt và thực hiện. Ông Vinh khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - vốn có nguồn lực hữu hạn và chiếm hơn 90% số lượng doanh nghiệp cả nước, cần nhanh chóng nghiên cứu Bộ chỉ số CSI, từ đó áp dụng linh hoạt CSI vào các hoạt động lập kế hoạch, quản trị, vận hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) là hoạt động thúc đẩy đối thoại thường niên quan trọng nhất của VBCSD-VCCI. Với chủ đề “Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội”, VCSF 2020 tập trung thảo luận các nội dung trọng điểm về quản trị doanh nghiệp bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường mô hình hợp tác công– tư. Đây không chỉ là những bài học đúc rút từ đại dịch COVID-19 mà hơn hết chính là những vấn đề then chốt cần được giải quyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội bao trùm và bền vững trong thập niên 2021-2030.
Các kiến nghị từ các hội thảo chuyên đề sẽ đóng góp đầu vào quan trọng cho Phiên toàn thể của Diễn đàn dự kiến được tổ chức vào ngày 02/11 tới đây, đồng thời sẽ được tập hợp và báo cáo lên Chính phủ.
[nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp _ enternews.vn ]
—
GIỚI THIỆU VỀ VBCSD-VCCI
Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành lập dưới sự phê duyệt của Chính phủ Việt Nam tại Công văn số 6334/VPCP-KGVX ngày 08/09/2010. Hội đồng chính thức ra mắt ngày 17/12/2010.
VBCSD là một tổ chức định hướng doanh nghiệp có nhiệm vụ phát huy vai trò tích cực và sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc chia sẻ kinh nghiệm và các thực hành tốt, tăng cường phối hợp chặt chẽ và đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các đối tác trong xã hội nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững.
website: vbcsd.vn
—
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (PTBV)
Là một khái niệm mới nhằm định nghĩa một sự phát triển về mọi mặt trong xã hội hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. Khái niệm này hiện đang là mục tiêu hướng tới nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa... riêng để hoạch định chiến lược phù hợp nhất với quốc gia đó.
—
17 MỤC TIÊU PTBV CỦA THẾ GIỚI
cho giai đoạn 2015 - 2030
Các mục tiêu phát triển bền vững:
1.Xóa nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi
2.Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững.
3.Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.
4.Đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
5.Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
6.Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người.
7.Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người.
8.Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người.
9.Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới.
10.Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia.
11.Xây dựng các đô thị và các khu dân cư mở cửa cho tất cả mọi người, an toàn, vững chắc và bền vững.
12.Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững.
13.Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó.
14.Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững.
15.Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học.
16.Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp.
17.Đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững.