Ngài Pascal Lamy - nguyên Tổng giám đốc WTO và Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI
phát biểu, trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị
Đông đảo các doanh nghiệp tới tham gia buổi tọa đàm
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Chủ tịch HANSIBA đồng thời TGĐ N&G Corp đã gặp gỡ, làm việc với ngài Pascal Lamy
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được 8 năm. Việt Nam đã đạt được những chuyển biến quan trọng kể từ khi gia nhập WTO, đặc biệt thông qua việc cải cách thể chế, pháp luật toàn diện. Theo nhận định của Nguyên Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy, Việt Nam là một điển hình thành công của WTO và WTO hài lòng khi hợp tác với Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang gặp phải những rào cản, bất đồng xung quanh những quy định của các hiệp định thương mại thế giới, bao gồm cả WTO, AFTA và TPP.
Tại buổi Tọa đàm diễn ra chiều 11/8 giữa Nguyên Tổng Giám đốc WTO, ông Pascal Lamy, với các doanh nghiệp, hai bên đã chia sẻ những khó khăn cũng như kinh nghiệm của mình trong việc đàm phán gia nhập các hiệp định thương mại thế giới.
Nguyên Tổng Giám đốc WTO cho biết, xu hướng các hiệp định thương mại trên thế giới sẽ giảm những rào cản liên quan đến thuế quan, hướng tới việc bảo vệ người tiêu dùng thay vì các nhà sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch Văn phòng Thương mại và Công nghiệp VCCI, ông Vũ Tiên Lộc nêu vấn đề: Xu hướng của các hiệp định là hướng tới bảo vệ người tiêu dùng, nhưng bảo vệ công ăn việc làm, bảo vệ doanh nghiệp cũng là vấn đề luôn được đặt lên bàn đàm phán, bởi bất kì thay đổi nào trong hiệp định cũng sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế. Cụ thể, đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt nam, Việt Nam có thể xuất khẩu hàng giá rẻ, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, điều này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên phía Mỹ vẫn căn cứ vào lợi ích của nhà sản xuất cá da trơn Mỹ, đưa ra những rào cản để bảo vệ nhóm người này. Do vậy, vấn đề ở đây không chỉ là bảo vệ người tiêu dùng mà còn bảo vệ nhà sản xuất. Hiệp định TPP cũng đang bị trì hoãn do phía Mỹ và Nhật Bản cũng đang gặp phải vấn đề tương tự.
Trước vấn đề này, ông Pascal Lamy cho rằng, việc mở cửa thương mại có tác động rất lớn đến cấu trúc, hệ thống của toàn bộ nền kinh tế, do vậy mỗi quốc gia đều cố gắng đưa ra những điều kiện nhằm đảm bảo tối đa lợi ích của đất nước.
Đối với mặt hàng thủy sản, lợi thế so sánh chủ yếu là tiêu chuẩn về chất lượng và năng lực của nhà sản xuất để được nhìn nhận như một nhà sản xuất đáp ứng được hết tất cả các tiêu chuẩn. Khi tham gia vào một hiệp định thương mại, sẽ có nhiều tiêu chuẩn có thể trước đây chưa từng có áp đặt đối với các sản phẩm của nước khác. Rào cản phía Mỹ đưa ra ở đây không phải là vấn đề thuế quan mà là chất lượng của sản phẩm.
Còn đối với vấn đề đàm phán TPP, Việt Nam yêu cầu phía Mỹ mở cửa thị trường dệt may, giày dép cho Việt Nam; tạo điều kiện cho Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn áp dụng thuế chống bán phá giá cá da trơn đối với Việt Nam.
Ông Pascal Lamy cho rằng, hiện nay Quốc hội Mỹ có quyền thông qua hiệp định thương mại, khác với tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Theo đó, cần phải nhận được sự ủng hộ của 2/3 thành viên Quốc hội thì hiệp định mới được thông qua. Tuy nhiên, có một vấn đề là Quốc hội Mỹ hoạt động liên quan rất lớn đến hệ thống Lobby (vận động hành lang), đây là một hệ thống được hoạt động rất công khai. Các thành viên trong Quốc hội Mỹ sẽ ủng hộ và tạo điều kiện đối với những nguồn lực đầu tư cho thành viên đó. Do vậy, hệ thống Lobby của Mỹ khiến việc đàm phán trở nên khó khăn hơn. Trong lịch sử nước Mỹ, chưa có hiệp định thương mại nào được thông qua mà không có sự đầu tư của Tổng thống Mỹ.
Do vậy, đối với việc đàm phán TPP, tiến trình của đàm phán sẽ phụ thuộc vào việc Tổng thống Mỹ có tận dụng những nguồn vốn về chính trị của ông để thúc đẩy việc thông qua hiệp định thương mại hay không.
Ông Pascal Lamy cũng nhấn mạnh, để tháo gỡ các nút thắt khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cũng như các nước cần chú trọng đến giá trị gia tăng chứ không phải kim ngạch xuất nhập khẩu; Tiêu chuẩn kĩ thuật chứ không phải thuế quan; Chú trọng thuận lợi hóa thương mại; Tăng cường hệ thống quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa (logistic); và hài hòa hóa các quy định pháp quy./.
Theo www.vov.vn / www.dddn.com.vn
Thực hiện: Hoàng Vy (P. Truyền thông Ban KD-HTQT N&G Corp)