Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị để đón tiếp và giới thiệu với các đại biểu Nhật Bản về chuỗi sản xuất, sản phẩm...của doanh nghiệp mình. Không bỏ qua cơ hội giao lưu tại Diễn đàn, các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) cũng đã chờ đón sự kiện này để được trực tiếp lắng nghe các chia sẻ, thảo luận về vấn đề hợp tác, phát triển ngành Công nghiệp giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản hiện nay. Cuộc thảo luận diễn ra có sự tham gia của Ông Vũ Tiến Lộc - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) đồng thời là Phó Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản cùng đại diện Nhật Bản có Ông Shimon Tokuyama – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Giáo sư Ken Kawasaki tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nhật bản và Viện nghiên cứu chính sách quốc gia.
Về vấn đề kết nối hợp tác phát triển các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, Ông Nguyễn Hoàng bày tỏ sự lo lắng, quan tâm sâu sắc của mình qua bài phát biểu tại Diễn đàn.
"Để cụ thể hoá Việt Nam - Nhật Bản là đối tác chiến lược sâu rộng trong thời gian tới chúng ta nên thiết thực triển khai, hỗ trợ và hợp tác sâu rộng giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam - Nhật Bản. Trong lĩnh vực CNHT, ở Việt Nam hiện phải nhập khẩu hàng năm hàng chục tỷ Đô la các linh phụ kiện các ngành ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo (Trong đó riêng các tập đoàn Nhật lớn như Toyota, Canon... đang phải nhập khẩu từ nước thứ ba các linh kiện này) Trong khi khả năng để sản xuất cung cấp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản là sẵn sàng."
Ông Nguyễn Hoàng cũng đã đóng góp những chia sẻ thẳng thắn về những chiến lược mà các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản nên thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau. Cụ thể :
"+Đối với DN vừa và nhỏ Nhật Bản: cung cấp thông tin đầy đủ đến các Doanh nghiệp này biết nhu cầu thị trường linh phụ kiện hiện Việt Nam đang nhập khẩu. Các Doanh nghiệp Việt Nam đang có khả năng, nhu cầu hợp tác sản xuất với doanh nghiệp Nhật Bản. Các chính sách ưu đãi và dự kiến ưu đãi khi họ vào đầu tư .
+ Đối với các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam: bố trí nguồn vốn ODA và ưu đãi thương mại của Nhật Bản để các Doanh Nghiệp này vay vốn mua máy móc thiết bị từ Nhật Bản để Sản xuất các sản phẩm ngành Công nghiệp hỗ trợ.
+ Đối với các tập đoàn lớn Nhật Bản như Toyota: xem xét cụ thể về hỗ trợ giá bán khi Việt Nam hội nhập hoàn toàn vào Asean 2018 để có chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện khi lắp ráp xe tại Việt Nam. Trên cơ sở ràng buộc tỷ lệ nội địa hoá từng năm, yêu cầu các tập đoàn phải chung tay (đặt hàng về số lượng, chủng loại, chất lượng, giá thành ... ) với các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam – Nhật Bản để các Doanh nghiệp này có khả năng Sản xuất cung cấp cho các tập đoàn Nhật Bản.
+ Đối với chính phủ hai nướcViệt Nam- Nhật Bản: lấy việc cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp hai nước nói chung và Doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng làm ưu tiên phát triển, hợp tác. Xem xét cụ thể từng trường hợp hỗ trợ ( như đối với Toyota và các tập đoàn khác đang có đầu tư tại Việt Nam) để thúc đẩy sự hình thành chuỗi sản xuất liên kết – cung ứng giữa Doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam ngay tại thị trường Việt Nam và từ đó tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng của TPP và thế giới."
Trong buổi toạ đàm tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú tán thành ý kiến của ông Nguyễn Hoàng, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, bao gồm:
- Cần hỗ trợ cụ thể về đầu ra cho doanh nghiệp ngành CNHT
- Cần có khu công nghiệp tập trung cho ngành CNHT
- Cần hỗ trợ về nguồn vốn, dành một phần vốn ODA cho ngành CNHT
- Doanh nghiệp Nhật cần giúp doanh nghiệp Việt Nam định hướng đầu tư công nghệ để sản xuất ra sản phẩm phù hợp cung cấp cho doanh nghiệp Nhật.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ KHĐT cũng cho rằng Việt Nam và Nhật Bản cần có cơ chế rất đặc biệt để giúp Việt Nam phát triển ngành CNHT chứ không chỉ như những đối tác cung cấp bình thường, giải quyết vấn đề "quả trứng và con gà" khi mà doanh nghiệp Nhật nói chung vẫn đang phản ánh là doanh nghiệp Việt chưa đủ năng lực sản xuất ra sản phẩm đạt chuẩn. Trong khi đó doanh nghiệp CNHT Việt Nam thì cần phải có đầu ra tương đối đảm bảo mới có thể nghĩ đến việc đầu tư lớn để sản xuất.
"Hiện Việt Nam và hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) đang và sẽ có hàng trăm, hàng ngàn Doanh Nghiệp sẵn sàng tham gia hợp tác với các Doanh nghiệp Nhật Bản để cùng tham gia sản xuất để mang lại lợi ích cho cả hai bên. Chúng tôi hi vọng rằng Chính phủ Nhật Bản – Chính phủ Việt Nam và cộng đồng Doanh nghiệp Nhật Bản – Việt Nam sẽ mạnh mẽ quan tâm hợp tác cụ thể các nội dung thiết thực để cụ thể hóa hơn nữa EPA và TPP góp phần thúc đẩy phồn vinh và hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam- Nhật Bản", Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) đồng thời là Phó Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản phát biểu chi tiết.