Kinhtedothi - Ngày 26/1, tại Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA), Chủ tịch HANSIBA khóa I Nguyễn Hoàng tiếp tục tái đắc cử chức Chủ tịch.
Tại Đại hội, với 100% đại biểu nhất trí, Đại hội đã bầu và ra mắt Ban Chấp hành khóa II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 30 người. Trong đó, Đoàn Chủ tịch 7 người, Thường vụ 10 người, Ủy viên 23 người. Chủ tịch Hiệp hội là ông Nguyễn Hoàng - Đại biểu HĐND TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2016 - 2021), Ủy viên Ban Chấp hành VCCI, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn N&G (N&G GROUP), Chủ tịch HANSIBA khóa I (nhiệm kỳ 2014 - 2019); Phó Chủ tịch gồm 9 người.
Ban Chấp hành HANSIBA khóa II ra mắt và chụp ảnh cùng các đại biểu. Ảnh: Khắc Kiên
|
Tham gia chuỗi cung ứng
Theo báo cáo của HANSIBA, kể từ khi thành lập, với số lượng ban đầu hơn 50 hội viên sáng lập, đến nay, HANSIBA đã phát triển, kết nạp thêm gần 150 DN hội viên, nâng tổng số lên hơn 200.
Đặc biệt, có hơn 100 DN đã, đang sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và CNHT cho công nghệ cao như: Cơ khí chế tạo; Điện - Điện tử; CNHT cho CNC; Dệt may - nguyên phụ liệu ngành Dệt - May da giầy; sản xuất cung ứng các sản phẩm phụ trợ cho các ngành công nghiệp chủ lực…
Các DN thành viên đã cung ứng được cho những Tập đoàn đa quốc gia lớn cùng các DN FDI đã có mặt tại Việt Nam như: Canon, Samsung, Toyota, Yamaha, Honda, Ford… và cung cấp trực tiếp cho các đối tác tại châu Âu - Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc - Đài Loan…
Hoạt động Hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác, ký kết thỏa thuận với nhiều tổ chức quốc tế, DN lớn trong nước như: Tập đoàn sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ ONAGA - Nhật Bản, Generpro và Hiệp hội dập đúc vùng KOBE - Nhật Bản, VNPT Technology; VinFAST; SUNHOUSE; B-Phone BKAV group; AMMACAO group...
Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Hoàng phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Khắc Kiên
|
Bám sát chủ trương
Về phương hướng nhiệm vụ trong 5 năm tới, Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Hoàng cho biết, Hiệp hội sẽ tuyên truyền và phối hợp cùng các DN hội viên thực hiện 17 tiêu chí Phát triển bền vững; tập trung cụ thể hóa phát triển các DN với số lượng lên tới 500 hội viên trực tiếp sản xuất các sản phẩm CNHT và CNHT cho công nghệ cao; củng cố về “chất” của DN hội viên để có thể trực tiếp sản xuất cung cấp sản phẩm CNHT và công nghệ cao cho các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam và sớm hội nhập vào chuỗi sản xuất CNHT ASEAN và toàn cầu. Tập trung vào cơ khí chế tạo cho ngành ô tô, điện tử và công nghiệp quốc phòng, dân sinh…
Tiếp tục đồng hành phát triển Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip), hỗ trợ có hiệu quả cho các DN hội viên nội địa, các DN FDI có mặt bằng đất đai và nhà xưởng vào tham gia đầu tư sản xuất; lấy “lợi ích” và phát triển bền vững của các DN hội viên là ưu tiên số 1 để tập trung giải quyết và thực hiện mục tiêu sản xuất các sản phẩm CNHT; kết nối và lan tỏa mạnh mẽ với các DN trong vùng Thủ đô, cả nước và DN trên thế giới để liên kết sản xuất cùng phát triển.
HANSIBA sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại và đầu tư, giới thiệu liên doanh liên kết, kêu gọi đầu tư vào các DN hội viên; hỗ trợ thúc đẩy hình thành các DN starup trong lĩnh vực CNHT...
Tập thể HANSIBA và các doanh nghiệp tiêu biểu nhận Bằng khen của VCCI. Ảnh: Khắc Kiên
|
Song hành để phát triển
Đối với kiến nghị, Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Hoàng mong Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và sớm trình Quốc hội ban hành Luật CNHT. Trong đó, cụ thể hóa, chi tiết theo hướng không cần Nghị định và Thông tư hướng dẫn... hiện đang áp dụng đã gây khó khăn cản trở cho hoạt động DN; Chính phủ và UBND TP Hà Nội thành lập Ban chỉ đạo cấp quốc gia và Thủ đô cho lĩnh vực CNHT và CNHT cho công nghệ cao;
Chính phủ và DN cùng song hành lấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay để đi thẳng vào ngành CNHT, CNC; Hướng dẫn các DN CNHT Việt Nam được tiếp cận giải ngân, vay vốn ODA để đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc, công nghệ nước ngoài về sản xuất các sản phẩm linh kiện thuộc ngành CNHT và CNHT cho công nghệ cao; Chính phủ cần quy định chi tiết từng vùng kinh tế theo địa lý Bắc - Trung - Nam của Việt Nam để đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp chuyên sâu CNHT và sản xuất các sản phẩm ngành CNHT tránh đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực của đất nước và cạnh tranh nội bộ trong nước với nhau.
Đặc biệt, Chính phủ cần ban hành chỉ thị cụ thể yêu cầu các tập đoàn nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam phải nội địa hóa và đặt hàng các DN Việt Nam cung cấp linh kiện theo hướng sẽ hỗ trợ các tập đoàn FDI này về thuế và chính sách khác theo tỷ lệ đặt hàng nội địa hóa.
Các DN ủng hộ miền Trung bị thiên tai, đặc biệt Tập đoàn N&G (N&G GROUP) - DN sáng lập HANSIBA đã trao tặng 1 tỷ đồng cho Chương trình 500.000 áo phao tới ngư dân Việt Nam.
|
Mặt khác yêu cầu bắt buộc các tập đoàn lớn Nhà nước và tư nhân Việt Nam không được đầu tư sản xuất các sản phẩm linh kiện thuộc các ngành CNHT, phải dành riêng cho các DN nhỏ, siêu nhỏ, khởi nghiệp Việt Nam thực hiện; Chỉ đạo cho phép thành lập các DN khởi tạo CNHT theo hướng là DN 100% vốn Nhà nước (sau này có thể cổ phần hóa hoặc bán lại cho tư nhân quản lý phát triển) hoặc cổ phần (Nhà nước và tư nhân cùng góp vốn);
Đề nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan xem xét điều chỉnh lại định nghĩa và danh mục sản phẩm CNHT được ưu tiên và cách xác định DN CNHT để được nhận ưu đãi từ Nghị định 111 và các thông tư đã ban hành.
Tại các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, đang định nghĩa chỉ là “linh phụ kiện” hoặc “gia công phụ trợ - OEM” trong khi nhiều sản phẩm khác cũng nên gọi là “phụ trợ” vì nó là thành phần tạo nên dây chuyền công nghệ để sản xuất các sản phẩm khác...
Tại Đại hội, các DN thành viên đã ký kết để sử dụng sản phẩm liên kết trong nội khối; nhiều tập thể cá nhân cũng đã được khen thưởng của VCCI, HANSIBA... Đặc biệt, cũng trong chương trình, Tập đoàn N&G (N&G GROUP) - DN sáng lập HANSIBA đã trao tặng 1 tỷ đồng cho Chương trình 500.000 áo phao tới ngư dân Việt Nam do nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang phát động cùng T.Ư Hội chữ Thập đỏ Việt Nam. Đồng thời, nhiều DN đã chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai... |