TOÀN VĂN BÀI PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH HANSIBA TẠI HỘI NGHỊ 26/9/2017
Kính thưa:
- Ông Trương Tấn Sang (Nguyên Ủy viên Bộ chính trị/ nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam);
- Ông Hoàng Trung Hải (Ủy viên Bộ chính trị/Bí thư Thành ủy Hà Nội);
- Ông LÊ HỒNG SƠN, Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội
- Bà PHẠM THU HẰNG, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Tôi xin phép được thay mặt Hiệp doanh nghiệp ngành Công nghiệp Thành phố Hà Nội (HANSIBA) báo cáo tình hình thực hiện công tác Hiệp hội, triển khai Đề án “Phát triển ngành Công nghiệp Hỗ trợ thành phố Hà Nội và một số đề xuất về giải pháp thúc đẩy ngành Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội và góp phần phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam.

Thực hiện chủ trương định hướng của Đảng-Nhà nước-Quốc hội về việc tập trung phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam để sớm góp phần đưa đất nước ta trở thành nước Công nghiệp theo hướng tiên tiến-hiện đại. Chính phủ đã ban hành nghị định và các quyết định liên quan trực tiếp đến ngành CNHT. Tại Thủ đô Hà Nội, được sự quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao của thường trực Thành ủy – HĐND thành phố, UBND TP Hà Nội đã đang ban hành nhiều chương trình hành động, chính sách mới, đặc biệt là đề án phát triển ngành CNHT trên địa bàn Hà Nội giai đoạn từ 2017 - 2019 định hướng đến năm 2025 .
Để thực hiện chủ trương, định hướng chỉ đạo của Đảng-Nhà nước-Chính phủ và Thành phố Hà Nội, Cộng đồng doanh nghiệp thuộc ngành CNHT Thủ đô đã chủ động nghiên cứu, thảo luận và thống nhất đề xuất với Thành phố cho phép thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT TP Hà Nội. Ngày 04/10/2013, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 6041/QĐ UBND, cho phép chính thức thành lập Hiệp hội doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (viết tắt là HANSIBA). Sự ra đời của HANSIBA là bước khởi đầu, là “mái nhà chung” của cộng đồng DN Thủ đô để từng bước giải quyết các khó khăn , vướng mắc, ách tắc cho các doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện tốt nhất để các DN CNHT sớm chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam và tham gia, hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Từ ngày đầu thành lập, có hơn 50 doanh nghiệp và những đối tác liên kết tham gia, đến nay, Hiệp hội có gần 200 DN Hội viên chính thức cùng các cá nhân và tổ chức liên kết tham gia vào Hiệp hội đều là các thành viên, hội viên ưu tú, tâm huyết. Đặc biệt có hơn 100 DN đã đang sản xuất các sản phẩm CNHT và CNHT cho công nghệ cao, các Doanh nghiệp đã cung ứng được cho các tập đoàn đa quốc gia lớn tại Việt Nam như Canon, Samsung, Toyota, Hon đa … Và cũng đã cung cấp trực tiếp cho các đối tác tại Châu Âu - Mỹ - Hàn Quốc…. Trong đó phải kể đến các Công ty: Cơ điện Toàn cầu Tomeco, Công nghiệp Nhật Minh, Nhựa Sunpla, Thăng Long Tech, Nhựa Euro Pipe, Cơ khí chính xác PMTT ...
Trong quá trình phát triển, đã có một số DN, doanh nhân khởi phát từ “Khởi nghiệp – Start - up” đã hình thành phát triển thành các Doanh nghiệp mạnh: như Công ty Vật liệu Tầm nhìn Việt , Công ty VanVina, Công ty Hikari Vietnam P&T, Tâm Phát, Công nghiệp Trí Cường , Công ty cơ khí Việt Hà...
Kể từ ngày thành lập, HANSIBA đã thực hiện tốt vai trò của mình trong công tác: tư vấn, hỗ trợ các DN hội viên trong việc liên kết hỗ trợ DN tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, đào tạo nguồn lực; tìm hiểu và thúc đẩy việc áp dụng, thực hiện các cơ chế chính sách; Hỗ trợ nhu cầu tìm kiếm địa điểm, hạ tầng để Đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất CNHT, trong đó đặc biệt N&G Corp – DN là đơn vị chủ trì sáng lập Hiệp hội đã chủ động đề xuất, báo cáo với Chính phủ, Thành phố Hà Nội để được cho phép đầu tư, hình thành Khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu về CNHT đầu tiên của Việt Nam với quy mô hơn 600 ha và định hướng mở rộng lên tới 2.000 ha ngay tại Thủ đô với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. KCN này đã được lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội hết sức quan tâm, hỗ trợ và tháo gỡ cụ thể các khó khăn vướng mắc để sớm hình thành phát triển. Cụ thể là được thuê đất tới 70 năm và miễn 20 năm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp các sản phẩm CNHT khi đầu tư vào Khu công nghiệp này. Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Đ/c Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo trực tiếp để điều chỉnh quy hoạch phù hợp hơn cho các DN sản xuất và định hướng phát triển của Khu Công nghiệp, chỉ đạo các cơ quan liên quan của Thành phố xem xét các ưu đãi đặc biệt trong thẩm quyền của Thành phố, đặc biệt là đã giao các sở/ngành nghiên cứu thực hiện phát triển KCN theo hình thức Hợp tác công tư – PPP để có giải pháp giảm ngay giá thuê đất cho các DN sản xuất khi không phải trả tiền thuê đất 1 lần 50 năm. Hiện nay, Khu Công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, diện tích khoảng 100ha với đầy đủ hạ tầng cơ sở đủ điều kiện để tiếp đón các DN trong nước - Quốc tế tham gia đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT và công nghệ cao tại KCN này. Dự kiến, quý II/2018 sẽ khởi công tổ hợp sản xuất ô tô điện do 1 DN Hàn Quốc đầu tư liên doanh với Doanh nghiệp Hội viên HANSIBA.
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch HANSIBA phát biểu tại Hội Nghị
Kính thưa các đ/c lãnh đạo và quý vị đại biểu,
- Trong 3 năm hình thành và hoạt động, mặc dù còn non trẻ và gặp nhiều hạn chế khó khăn về cơ sở vật chất, con người... Tuy nhiên, được sự hỗ trợ quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, Bộ, ngành và đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Chính quyền Thành phố Hà Nội, HANSIBA đã triển khai những giải pháp hỗ trợ DN Hội viên hết sức cụ thể và thiết thực:
- Tổ chức các chuyến xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước
- Tổ chức kết nối giao thương, hợp tác giữa các DN nội khối
- Tổ chức đào tạo, cung ứng người lao động và quản lý chuyên sâu ngành CNHT
- Xúc tiến, các cơ hội tiếp cận các nguồn vốn tài chính trong và ngoài nước cho các DN Hội viên
- Tư vấn công nghệ, thiết bị chế tạo trong ngành CNHT;
- Làm việc, kết nối hợp tác với các cơ quan, tổ chức, Doanh nghiệp tiềm năng của các nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ….
- Đặc biệt Hiệp hội đã tích cực tham gia góp ý, đề xuất, phản biện các văn bản dự thảo về các chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước trong đó có ngành CNHT như: Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Nghị định CNHT, các Thông tư liên quan đến DN và ngành CNHT, chính sách về thuế, đất đai, công nghệ mới… và cũng đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo cập nhật vào các văn bản pháp lý đó.
- Phương hướng hoạt động triển khai của Hiệp hội theo đề án phát triển ngành CNHT Thủ đô giai đoạn 2017 - 2019, định hướng đến năm 2025 như sau:
- Bám sát vào các giải pháp trong đề án phát triển CNHT của Thủ đô Hà Nội để triển khai thực hiện.
- Tập trung thúc đẩy, phát triển các DN hội viên đạt 1.000 Hội viên vào cuối nhiệm kỳ 01 (2020) là các DN trực tiếp sản xuất các sản phẩm CNHT và CNHT cho công nghệ cao.
- Củng cố về “chất” của DN Hội viên để có thể trực tiếp sản xuất cung cấp sản phẩm CNHT và công nghệ cao cho các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam và sớm hội nhập vào chuỗi sản xuất CNHT ASEAN và toàn cầu. Tập trung vào cơ khí chế tạo cho ngành ô tô, điện tử , dân sinh…
- Tiếp tục phát triển Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội kể cả các giai đoạn tiếp theo để hỗ trợ có hiệu quả cho các DN Hội viên nội địa và các DN FDI có mặt bằng đất đai và nhà xưởng vào tham gia đầu tư sản xuất.
- Lấy “lợi ích” và phát triển bền vững của các DN hội viên làm cơ sở để tập trung giải quyết và thực hiện mục tiêu sản xuất các sản phẩm CNHT.
- Vận hành, quản lý phát triển Hiệp hội theo hướng là 01 doanh nghiệp có các cổ đông, Hội đồng quản trị và các nhà đầu tư;
- Kết nối và lan tỏa mạnh mẽ giữa các DN vùng Thủ đô, cả nước và các Doanh nghiệp Quốc tế để cùng sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.
Kính thưa các đ/c lãnh đạo và quý vị đại biểu,
Trong Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 1 (2014-2019) diễn ra ngày hôm qua, các Doanh nghiệp ngành CNHT chúng tôi đã thảo luận và thống nhất đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và Thành phố Hà Nội một số ý kiến cụ thể như sau:
- Đối với Chính phủ:
- Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Luật CNHT và trình Quốc hội sớm ban hành trong thời gian tới;
- Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các DN thuộc ngành CNHT và CNHT cho công nghệ cao để đến năm 2030 đạt tỷ trọng 3% - 5% trên tổng số DN Việt Nam hoạt động SXKD;
- Cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế (Bắc - Trung - Nam) để phát triển các ngành CNHT, tránh tình trạng “Nhà nhà” phát triển - “Tỉnh tỉnh - Thành phố” phát triển CNHT để hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực của Đất nước và cạnh tranh đối kháng giữa các DN CNHT..;
- Cần có gói giải pháp về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp...) vì theo các quy định về điều kiện vay vốn thương mại hiện nay (tài sản bảo đảm tiền vay, vốn đối ứng của Chủ đầu tư, lãi suất vay, thời gian vay...) vẫn còn rất trở ngại đối với các DN sản xuất sản phẩm CNHT;
- Cần thành lập quỹ tài chính giành riêng cho các DN CNHT, là quỹ mở để thu hút mọi nguồn lực tài trợ trong nước và quốc tế;
- Cho phép các DN tư nhân thuộc ngành CNHT và CNHT cho công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài (đặc biệt chú trọng vào Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Công nghiệp tiên tiến,...) để có khả năng sản xuất, liên kết tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu). Thậm trí, cho phép và hỗ trợ DN CNHT Việt Nam được phép đầu tư mua lại các Doanh nghiệp Nhật Bản đang sản xuất linh kiện CNHT (bởi các DN Nhật Bản này đang gặp khó khăn trong việc già hóa dân số và thiếu thế hệ kế cận và có nhu cầu chuyển giao cho các Doanh nghiệp Việt Nam)
- Đối với Thành phố Hà Nội:
- Nghiên cứu, xây dựng ban hành "Bộ tiêu chí đánh giá DN CNHT đạt chuẩn" đảm bảo rõ ràng, minh bạch, cụ thể cho từng lĩnh vực sản xuất khác nhau, phù hợp yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các Công ty FDI và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế để các DN CNHT thực hiện. Chỉ định đơn vị thẩm định, cấp giấy chứng nhận và xây dựng quy trình cấp giấy chứng nhận cho DN CNHT, cho phép Hiệp hội được tham gia phối hợp với Sở Công thương Thành phố để đánh giá, xếp loại các DN trong lĩnh vực CNHT;
- Có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho các DN CNHT (từ nguồn vốn thành phố và nguồn vốn vay nước ngoài) trong đó:
- Vốn nội địa lấy từ ngân sách Thành phố thông qua Quỹ đầu tư của Thành phố và Lập Quỹ tài chính mở (dành riêng CNHT) để các DN CNHT vay vốn, góp vốn;
- Hỗ trợ về lãi suất , vốn vay trong thời gian xây dựng nhà máy và 1-2 năm đầu sản xuất;
- Hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tiếp cận nguồn vốn vay ODA hoặc ưu đãi thương mại nước ngoài (Thành phố kiến nghị với Chính phủ thí điểm cho phép các DN CNHT Hà Nội được tiếp cận vay nguồn vốn ODA hoặc vốn vay ưu đãi thương mại nước ngoài để đầu tư thiết bị, máy móc, nhà xưởng,…
- Hỗ trợ về đất đai: Cần sớm có chính sách ưu đãi, giải pháp cụ thể hơn nữa cho KCN hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) Thành phố sớm cho phép thực hiện khu Công nghiệp này theo hướng hợp tác công tư (PPP). Từ đó, các DN thuộc ngành CNHT Hà Nội sẽ được thuê hạ tầng, nhà xưởng với giá ưu đãi và kết nối liên kết sản xuất tại KCN chuyên sâu này;
- Đào tạo lao động miễn phí cho DN ngành CNHT.
- Hình thành phát triển vườn ươm DN CNHT và CNHT cho Công nghệ cao, trường đào tạo công nhân, quản lý chuyên sâu CNHT… tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội;
- Quan tâm và có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các DN khởi nghiệp, khởi tạo trong lĩnh vực CNHT và CNHT cho Công nghệ cao; (Thành phố cho vay hoặc thu xếp nguồn vốn tới 95% tổng vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi đặc biệt cho Dự án sản phẩm CNHT và các chính sách ưu đãi khác…);
- Hỗ trợ để tạo ra các “DN đầu tầu” của nội địa, liên doanh nội địa với FDI để dẫn dắt các DN nhỏ, khởi nghiệp, khởi tạo của ngành CNHT Thủ đô cùng sản xuất các sản phẩm CNHT;
- Thành lập ban chỉ đạo phát triển CNHT thành phố Hà Nội do lãnh đạo Thành phố là Trưởng ban.
- Đề nghị thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động, nội dung cụ thể hàng năm đến năm 2025 (theo đề án) để Hiệp hội, Doanh nghiệp hội viên thực hiện.
Với các nội dung báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động nửa nhiệm kỳ của Hiệp Hội doanh nghiệp CNHT, triển khai thực hiện để án phát triển CNHT giai đoạn 2017 – 2019, định hướng đến năm 2025 và một số đề xuất, giải pháp hỗ trợ cho các Doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội góp phần phát triển ngành CNHT Việt Nam. Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thành phố, đặc biệt là của đ/c Trương Tấn Sang - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam) đã luôn luôn quan tâm và chỉ đạo sâu sắc tới sự phát triển của cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Doanh nghiệp ngành CNHT nói riêng. Nhân đâu chúng tôi xin được trân trọng cảm ơn đ/c Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội đã luôn đồng hành và chỉ đạo để Doanh nghiệp ngành CNHT có định hướng phát triển.
Kính chúc quý vị sức khỏe – hạnh phúc và thành công!