Tại đây, hàng loạt khó khăn, vướng mắc đã được các chủ đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố phản ánh. Đồng thời, một số giải pháp tháo gỡ cũng được các cơ quan chức năng tập trung thành nhóm vấn đề và hứa sẽ giải quyết trong thời gian tới.
Thu hút nhiều doanh nghiệp FDI lớn
Thông tin tại hội nghị, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021-2030, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng phấn đấu đạt khoảng 22,5-23% trong cơ cấu kinh tế của TP vào năm 2025; đạt 24 - 25% vào năm 2030. Tăng trưởng công nghiệp xây dựng giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8,5- 9% và 8 - 8,5%/năm trở lên trong cả giai đoạn 2021-2030. Riêng ngành công nghiệp năm 2025 sẽ đạt khoảng 16,5-17% GRDP.
Hà Nội cũng dự kiến thành lập 2-5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025, đề nghị bổ sung 5 khu công nghiệp diện tích 1.307ha vào phương án phát triển các khu công nghiệp của cả nước giai đoạn 2025-2030. Đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 3.204,31ha; mở rộng 5 cụm công nghiệp đã được quy hoạch, thành lập ở giai đoạn 2017-2020 với tổng diện tích khoảng 45ha; xây dựng mới 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 536. Đến năm 2050 tương lai TP Hà Nội sẽ 4 vùng công nghiệp tập trung, có 26 khu công nghiệp với diện tích 5.830ha, 184 cụm công nghiệp với diện tích 7.403ha.
Nhìn lại những gì đã làm được, có thể thấy, việc đầu tư các khu, cụm công nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp FDI lớn của 27 quốc gia, vùng lãnh thổ và các doanh nghiệp trong nước vào đầu tư góp phần tăng tỷ trọng cao về thu hút FDI của Hà Nội với cả nước và đóng góp lớn cho ngân sách, nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo lên 24% trong ngành công nghiệp tại các KCN… đóng góp vào chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7-7,5% trong giai đoạn 2021-2025.
Nhưng, trong quá trình quản lý, đầu tư, phát triển và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP có phát sinh các khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có quy định của pháp luật chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư và Nghị định số 68/20147/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ, từ khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực đến nay, trên địa bàn TP chưa thành lập/mở rộng thêm cụm công nghiệp mới.
UBND TP đã chỉ đạo phát triển mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải gắn với chỉnh trang hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động nhưng chưa đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Các cụm công nghiệp có quy mô nhỏ phải có phương án mở rộng đáp ứng yêu cầu diện tích tối thiểu theo quy định; trường hợp không còn khả năng mở rộng thì xem xét chuyển đổi sang các chức năng khác phù hợp với quy hoạch…
Nêu vấn đề cụ thể hơn, Giám đốc đầu tư và Marketing Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội Ulrich Petersen phản ánh, hiện nay, Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội có một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng của dự án cũng như đề án thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội. “Đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành và UBND quận Bắc Từ Liêm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án”, ông Ulrich Petersen kiến nghị.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) Nguyễn Hoàng Hải thông tin, là doanh nghiệp đầu tư cụm công nghiệp 3 tại huyện Sóc Sơn với diện tích lên đến hơn 78ha, hiện đơn vị đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng hơn 56ha và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cả khu, tiến tới nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, phần diện tích còn lại chưa thể giải phóng mặt bằng do vướng vào khu vực nghĩa trang. Vì vậy, thành phố nên gia hạn thời gian triển khai dự án, huyện Sóc Sơn xây dựng nghĩa trang tập trung để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Hội Trần Sỹ Thanh cho hay, để khắc phục những vướng mắc, UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP khắc phục các tồn tại.
Đồng thời ban hành Nghị quyết 01-NQ/BCSĐ ngày 26/10/2023 của Ban cán sự Đảng UBND TP tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, qua đó thúc đẩy nhanh tiến độ khởi công các cụm công nghiệp; ban hành Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND ngày 3/10/2022 của UBND TP quy định rõ ràng cụ thể trách nhiệm của từng sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan, đảm bảo sự thống nhất và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.
Khắc phục triệt để tình trạng phát triển công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, phòng chống cháy nổ, đảm bảo các cụm công nghiệp mới đi vào hoạt động sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh hiện đại… Bên cạnh đó, các sở, ngành thường xuyên có các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ từng vướng mắc của chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp và các quận, huyện thị xã, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ thêm: Với tinh thần cầu thị và lắng nghe, chính quyền TP mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách,… để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô. Chính quyền thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; trước mắt là tập trung cải cách hành chính, trực tiếp là cải cách thủ tục hành chính; hướng tới xây dựng hệ giá trị cốt lõi theo phương châm “Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc”.
Để sớm thực hiện các mục tiêu đã đề ra, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 để thành phố triển khai thành lập/mở rộng các cụm công nghiệp trên địa bàn. Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với nội dung. Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và hướng dẫn thực hiện khi Nghị định có hiệu lực.
Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các quy định mới liên quan đến đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Luật Đất đai năm 2024. Với Bộ Xây dựng, Hà Nội cho rằng, Bộ này cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng tại các cụm công nghiệp trên địa bàn TP đảm bảo tính thống nhất.
Trên địa bàn TP hiện có 10 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất 1.348ha, vốn đầu tư hạ tầng trong KCN 139 triệu USD và trên 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt gần 100%. Năm 2023, các KCN đã thu hút được 10 dự án mới; 20 dự án mở rộng. Lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút được 709 dự án, trong đó, có 300 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 409 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng.
Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động phân bố tại 17 quận, huyện, thị xã, thu hút khoảng 3.864 chủ đầu tư doanh nghiệp thứ phát, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm. Thành phố cũng đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 44 cụm công nghiệp và tổ chức thẩm định thành lập 25 cụm công nghiệp với diện tích 288ha.
*Nguồn: cand.com.vn
Hà Nội họp bàn phương án tháo gỡ vướng mắc trong quản lý đầu tư các khu, cụm công nghiệp