Hà Nội đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp

10:11 | 06/04/2024

Sáng 5/4, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu cụm, công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội.

 Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, những năm qua, Thành phố Hà Nội đặc biệt coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, được xác định là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

“Hội nghị là cơ hội để chính quyền TP. Hà Nội và doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, cung cấp thông tin về những quy định, cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực đầu tư, phát triển khu, cụm công nghiệp”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu rõ.

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo các ban, ngành sẽ trao đổi tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính, một là, nhóm các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp.

Hai là, nhóm các vấn đề liên quan đến giải pháp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,...

Ba là, nhóm vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp; Về lao động, phòng cháy chữa cháy, chính sách miễn giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính,...

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348 ha, vốn đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp 139 triệu USD và trên 6.000 tỷ đồng.

Đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút được 709 dự án, trong đó có 300 dự án đầu tư nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 409 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, UBND Thành phố đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 44 cụm công nghiệp và tổ chức thẩm định thành lập 25 cụm công nghiệp với diện tích 288 ha.

Việc hình thành các cụm công nghiệp đã giúp di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề; qua đó hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, hạn chế việc sản xuất phân tán không theo quy hoạch; giải quyết được mặt bằng cho các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.

Từ việc đầu tư các khu, cụm công nghiệp, Thành phố đã thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI lớn với 27 quốc gia, vùng lãnh thổ và các doanh nghiệp trong nước vào đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp, góp phần tăng tỷ trọng cao về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Nội với cả nước, đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương và Thành phố, nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo lên 24% trong ngành công nghiệp tại các khu công nghiệp…

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND Thành phố Hà Nội trong quá trình quản lý, đầu tư, phát triển và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Về cơ chế chính sách phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; lĩnh vực đất đai; giải phóng mặt bằng; cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận ký quỹ; điều chỉnh tiến độ dự án nhiều lần, khó khăn về vốn; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao...

Để khắc phục những vướng mắc và đạt được những kết quả nêu trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ và đột xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Đồng thời, UBND thành phố ban hành nhiều văn bản nhằm thúc đẩy, chấn chỉnh kịp thời, cụ thể để mọi vấn đề, công việc, hạng mục được khơi thông.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Linh)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND Thành phố cũng cho biết, thời gian tới sẽ chỉ đạo khắc phục triệt để tình trạng phát triển công nghiệp quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, phòng chống cháy nổ (theo đó các cụm công nghiệp của thành phố phải có quy mô tối thiểu 30 ha, cụm công nghiệp làng nghề quy mô tối thiểu 15 ha để có đủ quỹ đất đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật theo quy chuẩn), tiêu chuẩn và định hướng phát triển văn minh, hiện đại của thành phố.

Các dự án đầu tư thứ phát trong cụm công nghiệp phải có diện tích tối thiểu 2.000 m2, trong cụm công nghiệp làng nghề phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2 để có đủ diện tích cho sản xuất hiện tại và nhu cầu phát triển trong tương lai cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, xử lý ô nhiễm môi trường theo quy định.

UBND Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành thường xuyên có các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ từng vướng mắc của chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp và các quận, huyện thị xã, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, nhằm tiếp tục đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn, UBND Thành phố Hà Nội sẽ luôn tìm giải pháp, đồng thời sẵn sàng gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp để tìm các biện pháp tối ưu nhất trong quá trình giải quyết công việc.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, tới đây Thành phố chú trọng trong việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai,... tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch và các chỉ tiêu, kế hoạch đã ban hành, phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất công nghiệp, tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho các ngành lĩnh vực khác phát triển đạt mục tiêu chung.

Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp Thủ đô Hà Nội có nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại, chuyên môn hóa cao, gắn với phát triển ổn định và bền vững; là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển công nghiệp của Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Giai đoạn 2021 - 2030 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng phấn đấu đạt khoảng 22,5-23% trong cơ cấu kinh tế của Thành phố vào năm 2025; đạt 24 - 25% vào năm 2030.

Tăng trưởng công nghiệp xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 8,5 - 9% và 8 - 8,5%/năm trở lên trong cả giai đoạn 2021 - 2030. Riêng ngành công nghiệp năm 2025 sẽ đạt khoảng 16,5 - 17% GRDP. Thành lập 2 - 5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025", đề nghị bổ sung 5 khu công nghiệp diện tích 1.307 ha vào phương án phát triển các khu công nghiệp của cả nước giai đoạn 2025 - 2030.

Đến năm 2030, TP. Hà Nội sẽ có 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 3.204,31 ha; mở rộng 5 cụm công nghiệp đã được quy hoạch, thành lập ở giai đoạn 2017-2020 với tổng diện tích khoảng 45 ha; xây dựng mới 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 536 ha.

Đến năm 2050, Thành phố Hà Nội sẽ có 4 vùng công nghiệp tập trung, 26 khu công nghiệp với diện tích 5.830 ha, 184 cụm công nghiệp với diện tích 7.403 ha.

Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, thời gian tới trung tâm sẽ luôn nỗ lực cao độ để đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Cùng với sự ủy quyền của UBND Thành phố, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác và mở rộng hình ảnh, hàng hóa chất lượng, sản phẩm làng nghề của Thủ đô ra các tỉnh, thành phố trong cả nước và trên thế giới.

*Nguồn: baodautu.vn

Hà Nội đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji
 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Sien I&D
Vesta
 Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội