Sáng 5/4, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Tham dự hội nghị có đại điện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, đại diện các Hội, Hiệp hội và các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội.
Tập trung làm rõ 3 nhóm vấn đề
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết: Thành phố luôn đặc biệt coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; đây được xác định là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
"Với mục tiêu thiết lập và duy trì kênh trao đổi thông tin kịp thời, thiết thực, hiệu quả giữa chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô; đồng thời hỗ trợ và giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn thành phố; năm 2024, UBND thành phố sẽ triển khai 6 hội nghị gặp gỡ, đối thoại để hỗ trợ doanh nghiệp theo từng chuyên đề", ông Trần Sỹ Thanh thông tin.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc hội nghị |
Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố thành phố.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, tính đến nay Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha; 102 cụm công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 2.188ha; các khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
"UBND TP. Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng 2 khu công nghiệp là Quang Minh II, diện tích 160 ha và khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8ha; hoàn tất thủ tục thành lập mới khu công nghiệp Đông Anh, diện tích 300ha; tháo gỡ khó khăn để khởi công 25/43 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018-2020; phấn đấu khởi công 43/43 cụm công nghiệp trong năm 2024", ông Trần Sỹ Thanh thông tin.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, hội nghị hôm nay là cơ hội để chính quyền thành phố và doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, cung cấp thông tin về những quy định, cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực đầu tư, phát triển khu, cụm công nghiệp; đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp; đặc biệt là sẽ giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố,…
Quang cảnh hội nghị |
Ông Trần Sỹ Thanh đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, trao đổi tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính, gồm: Công tác quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp; giải pháp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,...; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, về lao động, phòng cháy chữa cháy, chính sách miễn giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính,...
"Với tinh thần cầu thị và lắng nghe, chính quyền thành phố mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách,… để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô", ông Thanh nói.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cam kết, chính quyền thành phố sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; trước mắt là tập trung cải cách hành chính, trực tiếp là cải cách thủ tục hành chính; hướng tới xây dựng hệ giá trị cốt lõi theo phương châm “Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc”.
Kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng khá
Báo cáo tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong những năm qua tình hình phát triển sản xuất kinh, doanh doanh nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng trên địa bàn thành phố diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, nhất là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhờ đó, kinh tế thành phố tiếp tục duy trình tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung của cả nước: Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6%, GRDP tăng 6,27%; thu ngân sách trên 400 nghìn tỷ đồng, thu hút đầu tư các doanh nghiệp FDI của thành phố đứng thứ 2 trong cả nước.
Về tình hình phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, vốn đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp 139 triệu USD và trên 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt gần 100%.
Năm 2023 các khu công nghiệp đã thu hút được 10 dự án mới; 20 dự án mở rộng. Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút được 709 dự án, trong đó có 300 dự án đầu tư nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 409 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng.
Đến nay trên địa bàn thành phố đã có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động phân bố tại 17 quận, huyện, thị xã, thu hút khoảng 3.864 chủ đầu tư doanh nghiệp thứ phát, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.
Hiện thành phố đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 44 cụm công nghiệp và đang tổ chức thẩm định thành lập 25 cụm công nghiệp với diện tích 288ha.
*Nguồn: congthuong.vn
Hà Nội: Đối thoại tháo gỡ 3 nhóm vấn đề tại các khu, cụm công nghiệp