CÁC TÂN ĐẠI SỨ SẴN SÀNG NHẬN “ĐƠN ĐẶT HÀNG” CỦA DOANH NGHIỆP

07:50 | 23/07/2016

(DĐDN) – Nhiều lãnh đạo Hiệp hội, doanh nghiệp đã trực tiếp “đặt hàng” các tân Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài tại sự kiện gặp gỡ của 2 bên do VCCI đứng ra tổ chức chiều 21/7 tại Hà Nội.

 

HVS_2611

Đây là cuộc gặp quan trọng và thường xuyên của VCCI với các tân Đại sứ – các “bà mối” kinh tế, được tổ chức ngay sau khi Chủ tịch nước có quyết định bổ nhiệm Đại sứ mới.

Phát biểu tại sự kiện, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đánh giá cao vai trò của các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, thời gian qua, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài luôn là đầu mối hợp tác trong nhiều hoạt động về nghiên cứu thị trường, tổ chức đón tiếp các đoàn tháp tùng nguyên thủ trong các chuyến thăm.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: thời gian tới, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài cần tiếp tục hợp tác, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển.

“Sắp tới cần có cơ chế hợp đồng giữa các hiệp hội và các doanh nghiệp trong nước với các cơ quan đại diện ngoại giao để tiến hành các công tác xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin theo hợp đồng đối với từng khu vực, từng thị trường trong thời gian tới” – TS Vũ Tiến Lộc đề nghị.

HVS_2629

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI phát biểu tại sự kiện

Cũng theo Chủ tịch VCCI, hiện nay, những lĩnh vực Việt Nam đang rất coi trọng đầu tư đó là: nông nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh tìm kiếm các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam thì nhiệm vụ quan trọng vào bậc nhất là hỗ trợ cho các doanh  nghiệp vừa và nhỏ các nước có thể vào được Việt Nam.

Phát biểu của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

“Đơn đặt hàng” từ doanh nghiệp

Đơn “đặt hàng” đầu tiên mà các “bà mối” kinh tế nhận được từ ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ. Theo ông Nguyễn Hoàng, hiện nay, tỷ trọng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Hoàng cho biết, các doanh nghiệp trong ngành dù đang thiếu, đang yếu nhưng đã có những sự chuẩn bị, và quyết tâm vươn lên tạo lập những thương hiệu công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh.

“Tuy nhiên, dù Chính phủ đã có những ưu tiên, ưu đãi cơ chế chính sách cho công nghiệp hỗ trợ nhưng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn cần sự hỗ trợ rất lớn từ các nguồn lực nước ngoài, thông qua các Đại sứ” – Ông Hoàng nói.

Ông Hoàng “đặt hàng” các tân Đại sứ:

Thứ nhất, doanh nghiệp đang thiếu nguồn tài chính đủ mạnh nên mong muốn các đại sứ hỗ trợ thông tin về các quỹ đầu tư quốc tế để các doanh nghiệp có thêm nhiều kênh tiếp cận vốn tốt hơn.

Thứ hai, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang thiếu nguồn máy móc công nghệ tiên tiến để đáp ứng được yêu cầu, chuẩn mực mà các doanh nghiệp quốc tế yêu cầu nên mong muốn các Đại sứ giúp tiếp cận, giới thiệu nguồn máy móc hiện đại từ nước ngoài phù hợp.

Thứ ba, giới thiệu các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước sở tại để các doanh nghiệp Việt Nam cùng liên kết, hợp tác.

Thứ tư, giới thiệu tới các doanh nghiệp nước ngoài đang có nhu cầu những sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất được.

Nhiều "đơn đặt hàng" của doanh nghiệp cho các tân Đại sứ

Nhiều “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp cho các tân Đại sứ

Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam cũng “đặt hàng” các tân Đại sứ về “thông tin thị trường đầy đủ được cập nhật hàng tuần, hàng tháng” từ các nước các Đại sứ tới làm nhiệm vụ, để Hiệp hội có thêm thông tin cho hội viên.

“Một số sứ quán của Việt Nam tại các nước như Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã có những bản cập nhật thông tin thị trường, lời khuyên hỗ trợ xúc tiến thương mại thường xuyên, giúp đỡ cho các doanh nghiệp trong nước rất nhiều nên tôi mong các vị Đại sứ có thể tham khảo, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước” – Bà Hương đề xuất

Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Công nghệ cao Hà Nội cũng mong muốn được giới thiệu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài.

Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Đại – Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn tập đoàn Minh Dương chia sẻ, trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chế biến thực phẩm, có rất nhiều của những công nghệ mà thế giới đã đi rất lâu mà doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đang“mò mẫm”. Vì vậy, ông Đại mong muốn các Đai sứ ra nước ngoài tìm hiểu, giới thiệu công nghệ mới từ nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện đang có 1 nghịch lý là, dù nông nghiệp Việt đang phát triển nhưng Việt Nam phải nhập rất nhiều các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, và phải chịu nhiều rủi ro.

Vì vậy, ông đề xuất, các Đại sứ tìm hiểu, nắm diện tích, năng suất, sản lượng thời vụ, dự báo khả năng được, mất mùa tại các nước, và thông báo cho Hiệp hội để Hiệp hội có thể tham mưu cho doanh nghiệp… phòng tránh việc nước bạn đưa thông tin mất mùa để tăng giá sản phẩm, gây khó cho doanh nghiệp Việt Nam.

Sau sự kiện, một doanh nghiệp Việt trao đổi trực tiếp với ông Đỗ Bá Khoa – tân Đại sứ Việt Nam tại Bra- xin

Đại diện Tổng Hội Xây dựng Việt Nam đề xuất hỗ trợ thông tin về công nghệ tiên tiến, vật liệu nhẹ…từ nước ngoài.

Đại diện Hiệp hội xuất bản Việt Nam, ông Nguyễn Kiểm đề xuất các Đại sứ tăng cường quảng bá các tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam ra thế giới. Theo ông Kiểm, việc giới thiệu này sẽ quảng bá, hỗ trợ rất nhiều cho du lịch Việt Nam.

Lời hứa của các Đại sứ

Trực tiếp trả lời các “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp, nhiều vị Đại sứ bày tỏ sự ấn tượng với những yêu cầu cụ thể của các Hiệp hội, doanh nghiệp có mặt tại sự kiện.

Tuy nhiên, các vị Đại sứ mong muốn, VCCI tiếp tục truyền tải tới cộng đồng doanh nghiệp thông điệp “doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc liên hệ với các Đại sứ quán Việt Nam tại nước mà mình muốn kinh doanh”.

“Các Đại sứ sẵn sàng gặp cụ thể từng doanh nghiệp Việt Nam để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, và tìm phương án hỗ trợ doanh nghiệp” – ông Vũ Đăng Dũng, tân Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, Trưởng đoàn các tân Đại sứ Việt Nam cho biết.

Tân Đại sứ Việt Nam tại Philippines Lý Quốc Tuấn hứa sẽ tìm hiểu và truyền tải nhiều thông tin về các sản phẩm thế mạnh, công nghệ tiên tiến của Philipines về cho các doanh nghiệp trong nước.

TS Vũ Tiến Lộc, các tân Đại sứ chụp ảnh cùng các Chủ tịch Hiệp hội, doanh nghiệp

TS Vũ Tiến Lộc, các tân Đại sứ chụp ảnh cùng các Chủ tịch Hiệp hội, doanh nghiệp

Ông Hồ Minh Tuấn – Tân Đại sứ Việt Nam tại Cộng hoà Séc nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ chính của các sứ quán là hỗ trợ thông tin kinh tế. “Vì vậy, chúng tôi sẽ luôn chủ động tìm kiếm những cơ hội, thông tin thị trường để chuyển về hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước”.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần chủ động liên hệ để ra đầu bài cụ thể cho chúng tôi để chúng tôi hỗ trợ hiệu quả hơn” – ông Tuấn nói.

Hoàng Sang

 

 

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji
 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Sien I&D
Vesta
 Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội