Đề xuất phát triển 5 đô thị vệ tinh, coi đây là động lực phát triển kinh tế xã hội

03:32 | 08/07/2020

Kinhtedothi - Đại biểu Nguyễn Hoàng đề xuất giải pháp: Tập trung phát triển 5 đô thị vệ tinh, lấy phát triển 5 đô thị vệ tinh là động lực, dư địa phát triển kinh tế xã hội trong nhiệm kỳ tới”.

Ngày 6/7, tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội khóa XV, các đại biểu HĐND TP Hà Nội thảo luận tình hình thực hiện kinh tế xã hội tại hội trường.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng (tổ đại biểu Phú Xuyên) - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội; Chủ tịch Tập đoàn N&G góp ý cho rằng, Kỳ họp thứ 15 này là kỳ họp tiến tới kỳ họp năm cuối cùng của kỳ họp 5 năm 2016-2020 của Thủ đô.
Trải qua gần 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đại biểu cho rằng, Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, những thành tựu thông qua nhiều công trình cụ thể về hạ tầng, giao thông, trường học, bệnh viện, nhà ở, cây xanh... mang đến diện mạo mới khang trang, tốt đẹp hơn cho vùng nông thôn và đô thị.
Đặc biệt, Hà Nội đã có “động lực và niềm tin” đúng theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ trong bài phát biểu tại kỳ họp HĐND này để Hà Nội có thêm “khí thế mới, niềm tin mới” sau một nhiệm kỳ 5 năm đầy khó khăn, trông gai và thách thức.
Đại biểu chia sẻ, đại dịch Covid đã mang đến nhiều đảo lộn trong cuộc sống, làm việc của tất cả người dân trên toàn thế giới, chưa khi nào ranh giới giữa “sống và chết lại gần nhau đến thế”. Sự sống và cái chết không cần tiếng súng, đói nghèo, bạo động, bất ổn xã hội sẽ nảy sinh tràn ngập nếu đất nước và thành phố chúng ta không có các giải pháp, cách làm đầy khoa học, trách nhiệm, quyết liệt như thời gian qua.
Người dân, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, trân trọng cảm ơn các cấp lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ đô trong chiến dịch phòng chống dịch Covid, mang lại sự bình yên vô giá để người dân và doanh nghiệp sống và làm việc. Trong khi, các nước trên thế giới còn đang hết sức căng thẳng, khó khăn và đầy hiểm nguy.
Bên cạnh thành tựu, đại biểu Nguyễn Hoàng cũng cho rằng, Hà Nội cũng còn nhiều tồn tại và dư địa để phát triển kinh tế. Thứ nhất, Thành phố cần nghiên cứu quy hoạch lại tổng thể các lĩnh vực và ngành để phát triển kinh tế xã hội thủ đô phù hợp với thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.
Trong đó tập trung phát triển 5 đô thị vệ tinh, cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, trung tâm vui chơi giải trí và hạ tầng giao thông tại các đô thị vệ tinh. Lấy phát triển 5 đô thị vệ tinh là động lực, dư địa phát triển kinh tế xã hội trong nhiệm kỳ tới.
Về cơ sở hạ tầng giao thông, cần được rà soát, quy hoạch lại và đầu tư quyết liệt, xong, gọn từng dự án.
Theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Thủ đô Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, đầu mối hạ tầng kỹ thuật diện rộng…

“Chúng ta cần tập trung làm các tiện ích giao thông công cộng cho người dân sử dụng: đường sắt trên cao, đường sắt nội đô nối từ các đô thị vệ tinh vào trung tâm thành phố và kết nối giữa các đô thị vệ tinh với các đô thị vệ tinh với nhau sẽ làm kích ứng sự phát triển Thủ đô và lan toả tới nhiều tỉnh thành liền kề trong vùng Thủ đô Hà Nội”, đại biểu Nguyễn Hoàng góp ý.
Thứ hai, đại biểu góp ý về lĩnh vực công nghiệp nói chung và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng của thủ đô. Theo đó, Thủ đô có cơ sở hạ tầng tốt hơn nhiều tỉnh, thành phố khác; có lao động chất lượng cao; có Luật Thủ đô và hàng ngàn doanh nghiệp có khả năng để tham gia vào sản xuất các sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ.
Đây là ngành rất quan trọng để góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc kể cả các vấn đề dân sinh như sản xuất máy thở, khẩu trang, thiết bị y tế cho người dân.
Thành phố cần có giải pháp cụ thể trên cơ sở đột phá hơn nữa, vượt qua các ràng buộc của thể chế quy định, luật pháp hiện nay trên cơ sở Luật Thủ đô đã có và thậm chí đề xuất Quốc hội chỉnh sửa Luật Thủ đô cho phù hợp với phát triển kinh tế xã hội Hà Nội.

Trong đó cần bố trí nguồn ngân sách, cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi đặc biệt (kể cả 2 năm đầu không lãi suất để các doanh nghiệp mua máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng và thuê đất sản xuất).
Tập trung hỗ trợ các khu công nghiệp chuyên sâu của thành phố, trong đó có việc quy hoạch và quy hoạch lại các khu công nghiệp này cho phù hợp với thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ và phù hợp với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Coi đây là “giấy thông hành” tham gia cho các doanh nghiệp Thủ đô vào chuỗi sản xuất toàn cầu, phù hợp với các hiệp định kinh tế thế hệ mới FTA đã ký và phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba, về vấn đề môi trường, Đại biểu đề nghị nghiên cứu ra Nghị quyết riêng về lĩnh vực môi trường. Trong đó đặt ra trong một nhiệm kỳ, hằng năm phải quyết được vấn đề gì? Đại biểu đề xuất cần ưu tiêu giải quyết ngay các tuyến sông đặc biệt ô nhiễm, sau đó đến ô nhiễm rác thải, không khí, nhà máy…
Đại biểu nhấn mạnh, những con sông ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, tại Phú Xuyên, có những thôn làng nhiều người mắc bệnh liên quan đến ô nhiễm sông hồ.

Nguồn: báo Kinh tế & Đô thị

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji
 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Sien I&D
Vesta
 Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội