Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT TP Hà Nội (HANSIBA), đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Corp cùng các doanh nghiệp hội viên HANSIBA đã tới tham dự diễn đàn.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội HANSIBA, Chủ tịch HĐQT Công ty Corp cùng lãnh đạo Vụ Công nghiệp – Ban Kinh tế Trung ương lắng nghe các phần tham luận của diễn giải tại diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn các giải pháp về vốn phát triển ngành CNHT
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh: Phát triển CNHT có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Mặc dù nhận thức được vai trò quan trọng của CNHT đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng, nhưng sự đầu tư các nguồn lực cho CNHT ở Việt Nam chưa tương xứng. Với nguồn lực ngân sách nhà nước còn eo hẹp, phần đầu tư cho ngành CNHT rất hạn chế, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành CNHT gặp rất nhiều khó khăn về vốn và công nghệ để có thể đầu tư trang thiết bị, chuyển giao công nghệ sản xuất phù hợp.
Ông Trần Văn Quang – Phó Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương – Bộ Khoa học và Công nghệ - đưa ra nhận xét rằng ngành CNHT của Việt Nam trong thời gian qua còn rất nhiều hạn chế, yếu kém và đã được đề cập trong rất nhiều báo cáo, cụ thể: CNHT ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, manh mún, kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp; các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ở nước ta còn rất ít, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh yếu kém… Tất cả các điều trên đặt ra hai bài toán:
+ Thứ nhất, bài toán về công nghệ sản xuất sản phẩm: Việc tìm kiếm công nghệ phù hợp chưa hẳn đã là bài toán khó vì các doanh nghiệp dù là trong nước hay nước ngoài cũng sẽ sẵn sàng được mong muốn hợp tác và chuyển giao nhằm phát triển mang lại lợi nhuận từ công nghệ họ đã có, sự “độc quyền” về công nghệ trong thời đại hiện nay sẽ không thể kéo dài lâu được.
+ Thứ hai, bài toán về vốn: nhìn tổng thể có rất nhiều Quỹ mà mục tiêu hướng đến việc hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất, tuy nhiên việc tiếp cận để được hưởng các ưu đãi trên đang rất vướng đối với doanh nghiệp, với các lý do như về hồ sơ, về bản thân các doanh nghiệp…
Ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Tài chính Ngân hàng – đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành CNHT cho Chính phủ cụ thể như sau: Chính phủ cần hoàn thiện và cập nhật chiến lược phát triển ngành CNHT; thành lập các Quỹ phát triển CNHT; Sớm ban hành Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chỉ đạo phát triển cân bằng hơn thị trường tài chính; Xây dựng, thực hiện hiệu quả kế hoạch truyền thông và thực hiện cam kết hội nhập quốc tế… Đối với các định chế tài chính cần đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giao dịch; nâng cao trình độ nhân viên thẩm định dự án CNHT; Hỗ trợ doanh nghiệp CNHT các gói sản phẩm riêng biệt, tăng cường thực hiện cho vay theo chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ, thiện chí với các định chế tài chính; Lựa chọn công nghệ đầu tư phù hợp; Nghiên cứu kỹ thị trường; Đào tạo cán bộ nhân viên có tay nghề; Chủ động hội nhập quốc tế một cách phù hợp.
Các diễn giả, khách mời đã trình bầy tại diễn đàn một số nội dung như: Đầu tư và giải pháp phát triển CNHT; công nghiệp hóa và hiện đại hóa Việt Nam cụm liên kết ngành; nguồn vốn đối với ngành CNHT, thực trạng và giải pháp…
Trong phần trình bày tham luận của mình, đại diện ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank). Nhằm giải quyết các khó khăn của các doanh nghiệp CNHT trong việc tiếp cận nguồn vốn, VietinBank triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho KHDN đặc biệt dành cho DN VVN như: “Kết nối khách hàng tiềm năng”, “Tiếp sức thành công cho khách hàng DN VVN”, “Hợp tác vươn xa cho doanh nghiệp siêu vi mô”; “Chung sức vươn xa cùng KHDN xuất nhập khẩu”; hay “Đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp FDI”, … với lãi suất ngắn hạn từ 5%, lãi suất trung dài hạn từ 6,5%. Bên cạnh đó, về lãi suất tín dụng, VietinBank cam kết giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Là ngân hàng đi đầu trong việc triển khai các chương trình định hướng phát triển ngành ưu tiên của Chính phủ, VietinBank hiện đang dành nhiều ưu đãi đối với ngành CNHT với lãi suất ưu đãi khoảng 7%/năm cùng nhiều cơ chế giá ưu đãi. Đối với các dự án đầu tư có chất lượng tốt, chủ đầu tư có khả năng quản lý tốt dự án, cân đối được nguồn trả nợ, khả thi, VietinBank có thể xem xét giảm lãi suất thêm 1%/năm so với mặt bằng hiện nay.
“Diễn đàn các giải pháp về vốn phát triển ngành CNHT” đã tổng hợp đề xuất tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất từ cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhằm đạt được kỳ vọng cho sự phát triển doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp thuộc ngành CNHT nói riêng. Đây chính là yếu tố cốt lõi cho phát triển ngành CNHT.
Thực hiện: Đình Tuấn (Ban Truyền thông hiệp hội HANSIBA)