Doanh nghiệp Nhật Bản: Đề nghị cơ chế đặc thù để nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng

01:33 | 26/02/2024

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Onaga Masaru, Chủ tịch Công ty TNHH Onaga (Nhật Bản) cho biết đang hoàn tất các thủ tục nhập khẩu thiết bị để lắp đặt tại nhà máy đầu tiên tại Việt Nam.

 Hiện tại, ông Onaga Masaru cho biết, Công ty đã hoàn tất phần xây dựng nhà xưởng, với dự tính khoảng 10% tổng vốn đầu tư. Theo kế hoạch, Công ty sẽ giải ngân toàn bộ tổng vốn đầu tư đăng ký vào đầu năm 2025.

“Giai đoạn 1 của Dự án sẽ kết thúc vào tháng 4/2024, với việc lắp đặt máy móc và đưa vào sản xuất. Chúng tôi rất mong Chính phủ và TP. Hà Nội ủng hộ để Khu công nghiệp Hanssip được quy hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng và nhà xưởng hợp lý với hình thức chuyên biệt của Tổ hợp Technopark Việt Nam - Nhật Bản”, ông Onaga Masaru cho biết.

Ông Onaga Masaru, Chủ tịch Công ty TNHH Onaga (Nhật Bản).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thưa ông, cho tới thời điểm này, để chuẩn bị cho giai đoạn lắp đặt thiết bị của giai đoạn 1, có còn vấn đề gì vướng mắc không?

Chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất linh kiện trong lĩnh vực công nghệ hàng không của Nhật Bản, có quy mô vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất không chiếm diện tích lớn nhưng sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chúng tôi cần hệ thống nhà xưởng vừa đủ, hiện đại chuẩn mực Nhật Bản và quốc tế, cần có tính liên kết trong dây chuyền sản xuất, kết nối liên tục các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất.

Đây là lý do chúng tôi cần sự ủng hộ để Khu công nghiệp Hanssip được quy hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng và nhà xưởng hợp lý với hình thức chuyên biệt của Tổ hợp Techno-park Việt Nam - Nhật Bản.

Cụ thể hơn, hiện chúng tôi đang làm thủ tục nhập khẩu máy móc về Việt Nam, cần hỗ trợ thủ tục để thông quan thuận lợi. Chúng tôi đề nghị có hướng dẫn cụ thể, cơ chế đặc thù về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ đã qua sử dụng và đang sử dụng tốt tại Nhật Bản hoặc nước thứ 3 về Việt Nam. Không chỉ chúng tôi, nhiều doanh nghiệp cũng có nhu cầu này khi có kế hoạch dịch chuyển sản xuất sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao tại Hà Nội...

Điều gì khiến ông chọn Hà Nội làm nhà máy đầu tiên tại Việt Nam của Onaga?

Khi đến Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến vấn khả năng kết nối với khách hàng, chất lượng cơ sở hạ tầng, chi phí sản xuất, nguyên vật liệu, lương công nhân, chính sách ưu đãi thuế... 

Đây chính là các vấn đề mà doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp khó khăn khi đầu tư ở Nhật Bản, nên phải tính tới các phương án đầu tư ra nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình. Hiện tại, Việt Nam đang được lựa chọn mới những thuận lợi trong kết nối, trong chi phí đầu tư... Chúng tôi chọn Hà Nội, chọn đầu tư vào Hanssip với kỳ vọng nhiều vào nguồn nhân lực được đào tạo. Chúng tôi cũng muốn kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái của chúng tôi. Tất nhiên, việc này đòi hỏi thời gian và nỗ lực của các doanh nghiệp, vì ngành nghề này đỏi hỏi cao về chất lượng, hệ thống quản lý...

Ông vừa kết nối, đưa 9 doanh nghiệp thuộc mạng lưới ngành hàng không Kobe (KAN) đến Hà Nội tìm hiểu cơ hội đầu tư. Các doanh nghiệp này đang quan tâm đến những vấn đề gì, thưa ông?

Cũng như điều Onaga quan tâm khi chọn địa điểm đầu tư, các vấn đề về chi phí kinh doanh, nguồn nhân lực... Đặc biệt, nguồn nhân lực đang là vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhất.

Tuy nhiên, điều chúng tôi cảm thấy cần có nhiều cải thiện hơn là tính chuyên nghiệp, kỷ luật trong lao động của người lao động Việt Nam. Mặc dù họ là những người lao động thông minh, có kỹ năng, nhưng chưa thực sự chuyên nghiệp trong công việc, tính kỷ luật chưa cao...

Đây là lý do chúng tôi đề nghị Hà Nội có chính sách cho các doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo lao động, tạo điều kiện, hướng dẫn cấp phép lưu trú dài hạn (từ 5-10 năm) cho các chuyên gia, lãnh đạo các công ty Nhật Bản sang đầu tư sản xuất tại Tổ hợp Technopark Việt Nam - Nhật Bản...

Các doanh nghiệp cũng đề nghị có cơ chế ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao tại Hanssip thông qua việc cấp giấy chứng nhận sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Đặc biệt, chúng tôi cũng đề nghị TP. Hà Nội có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản nói chung và doanh nghiệp thuộc Mạng lưới ngành hàng không Kobe (KAN) nói riêng, và các doanh nghiệp Hà Nội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội, cũng như nguồn vốn giá rẻ ODA và nguồn vốn khác từ Nhật Bản. Kiến nghị này chúng tôi gửi tới Chính phủ VIệt Nam, để qua đó gửi tới Chính phủ Nhật Bản, để có sự hậu thuẫn cho các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp KAN trong chuyến đi đến Hanssip đã chia sẻ về kế hoạch đầu tư tại Việt Nam thế nào?

Doanh nghiệp Nhật Bản chúng tôi thường có cần trọng, kỹ caàng trong gia đoạn đầu, nên thời gian chuẩn bị thường kéo dài.

Chính vì vậy, khi quyết định đầu tư tại hanssip, cùng với N&G phát triển Technopark, tôi xác định sẽ làm kỹ càng, đi trước, để nắm chắc các quy trình, thủ tục, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp đi sau.

Vì vậy, trong cuộc làm việc với Hà Nội, chúng tôi cũng đề nghị thực hiện 1 cửa, đơn giản hóa và đồng bộ các thủ tục hành chính như hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, giấy phép môi trường...

Đặc biệt, chúng tôi đề nghị cấp chứng chỉ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các loại giấy phép khác theo quy định của Việt Nam để tăng sức cạnh tranh của thành phố Hà Nội, giúp các doanh nghiệp Nhật Bản và đối tác Việt Nam nhanh chóng đầu tư đi vào sản xuất.

Việc này sẽ giúp doanh nghiệp giảm lãng phí về thời gian, công sức, tài chính khi phải đi lại nhiều lần từ Nhật Bản sang Việt Nam để lo thủ tục đầu tư.

Công ty Onaga và Tập đoàn N&G đã ký kết hợp tác phát triển Tổ hợp Techno-park Việt Nam - Nhật Bản từ năm 2019. Tiến độ triển khai thế nào, thưa ông?

Giai đoạn dịch bệnh cũng có khó khăn. Hiện tại, các doanh nghiệp Nhật Bản đang xúc tiến các kế hoạch đầu tư khá mạnh mẽ. Đây là thời điểm tốt để thúc đẩy kế hoạch hình thành Tổ hợp Techno-park Việt Nam – Nhật Bản, trong đó tập trung vào sản xuất các sản phẩm linh kiện công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ trong ngành hàng không vũ trụ với sự tha gia của các doanh nghiệp vùng KOBE – Nhật Bản, và cả các doanh nghiệp Việt Nam...

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đang trao đổi với các doanh nghiệp tại Hanssip.

Trao đổi với các doanh nghiệp sau khi tham quan nhà xưởng của Công ty Onaga tại KCN Hanssip và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc của các nhà đầu tư.

"Liên quan đến kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp Nhật Bản và Khu công nghiệp Hanssip, như các thủ tục về PCCC, thủ tục hành chính..., Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội sẽ tổng hợp, tổ chức cuộc làm việc để báo cáo cụ thể. Tôi sẽ trực tiếp tham gia, chỉ đạo trực tiếp", Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền chỉ đạo.

Liên quan đến tiến độ Khu công nghiệp Hanssip, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ xem xét các thủ tục để thúc đẩy giai đoạn 2, sau khi giai đoạn 1 đã được lấp đầy.

 

*Nguồn báo: baodautu.vn

Doanh nghiệp Nhật Bản: Đề nghị cơ chế đặc thù để nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji
 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Sien I&D
Vesta
 Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội