KTĐT - Thực hiện Quyết định số 6014 ngày 4/10/2013, của UBND TP về việc cho phép thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội (HANSIBA), chiều nay, 7/11, HANSIBA tổ chức Đại hội chính thức ra mắt.
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch HANSIBA - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển N&G kỳ vọng: Hiệp hội ra đời sẽ tạo đòn bẩy quan trọng trong việc phát triển ngành CNHT, đồng thời tạo sức lan tỏa lớn cho cả vùng.
Ông đánh giá thế nào về năng lực của các DN CNHT ở Hà Nội, nhất là khi so sánh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại đây?
- Thực tế thời gian qua cho thấy, năng lực của các DN CNHT ở Hà Nội còn rất hạn chế. Có thể thấy rõ điều này qua tỷ lệ nội địa hóa ngành sản xuất ô tô, điện tử hay dệt may… Tôi thấy về tính sáng tạo, tâm huyết cũng như tính uyển chuyển trong tiếp cận các sản phẩm cung cấp cho thị trường thì DN Việt Nam thực hiện khá tốt. Vấn đề là có đòn bẩy để kích ứng nó hay chưa.
Lắp ráp xe tại Công ty TNHH liên doanh ô tô Hòa Bình. Ảnh: Khánh Linh
|
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, khả năng đáp ứng linh phụ kiện của DN Việt Nam cho các DN sản xuất trong và ngoài nước mới đạt 15 - 25%. Điều quan trọng, cần nhận thấy ở các DN nội địa là sự hiểu biết rất rõ về đất nước và con người Việt Nam. Đó chính là "năng lực" cần phát huy để thu hút các DN nước ngoài.
Thường xuyên có cơ hội tiếp xúc với các nhà sản xuất Nhật Bản, ông có thể chia sẻ về nhu cầu của họ trong việc tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện tại địa phương?
- Không chỉ các DN Nhật Bản mà ngay cả những DN, tập đoàn lớn của những quốc gia, vùng lãnh thổ khác khi đầu tư vào Việt Nam đều luôn mong muốn, thậm chí họ ráo riết tìm kiếm đối tác trong lĩnh vực CNHT của Việt Nam. Tập đoàn công nghiệp nặng KAWASAKI - chuyên sản xuất tàu thủy, máy bay, vệ tinh... cũng đã đề nghị tôi giới thiệu các DN Việt Nam có khả năng cung cấp linh phụ kiện từ đơn giản đến cao cấp cho họ.
Sau sự việc hãng Madaz vừa quyết định chọn Thái Lan làm địa điểm đầu tư thay vì trước đó định "rót" tới 700 triệu USD đầu tư tại Hà Nội, ông có suy nghĩ gì? Hà Nội đã có "ngành CNHT" theo đúng nghĩa chưa, thưa ông?
- Sau việc Madaz không chọn Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, phải nói chúng ta cần xem lại về sự cấp bách ra đời các DN vệ tinh đúng nghĩa để sản xuất sản phẩm CNHT không chỉ cho Madaz mà còn cho nhiều tập đoàn khác trên thế giới khi có dự định đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Không thể nói Hà Nội đã có ngành CNHT, nhưng nếu trong vòng 5 năm tới, chúng ta có các chính sách, giải pháp cụ thể thì tôi cho rằng, Thủ đô có đầy đủ mọi điều kiện "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" để hình thành và phát triển ngành CNHT. Và không chỉ phát triển tại Hà Nội, ngành kinh tế này sẽ có sức lan tỏa lớn cho cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Trong bối cảnh nhiều công ty đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, nhất là DN ngành CNHT càng khó khăn do cơ chế chưa đồng bộ, HANSIBA sẽ có giải pháp gì để tháo gỡ cho DN?
- Điều kiện đầu tiên để HANSIBA hỗ trợ DN chính là đã có mặt bằng sản xuất tại Khu CNHT Nam Hà Nội (Hanssip) với diện tích 640ha, dự kiến sẽ tăng lên 2.000ha. Đây sẽ là điểm hội tụ phát triển sản xuất cho các DN CNHT. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã nhận được đồng thuận rất cao của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Tiên Phong với cam kết dành 10.000 tỷ đồng cho 5 năm tới để phục vụ các hội viên HANSIBA đầu tư sản xuất kinh doanh. Chúng tôi cũng sẽ liên tục phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng chính sách khuyến khích DN CNHT phát triển sản xuất. Mặt khác, HANSIBA còn phối hợp với đối tác nước ngoài để liên kết sản xuất, cung cấp "đầu ra" cho các hội viên, tổ chức đào tạo, kết nối công nghệ sản xuất, gắn kết hoàn toàn với chuỗi giá trị sản xuất CNHT Việt Nam và toàn cầu…
Xin cảm ơn ông!
"Trong 10 tháng năm 2013, Hà Nội có khoảng 10.000 DN đăng ký mới, trong đó có tới 30% là DN CNHT. Vì vậy, HANSIBA ra đời do nhu cầu tất yếu khi mà thị phần
cho CNHT phát triển là rất lớn." - Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch HANSIBA |
Nguyễn Linh thực hiện