Động lực cho doanh nhân giữ nòng cốt phát triển kinh tế độc lập

08:35 | 18/12/2023

Kinhtedothi – Nghị quyết số 41-NQ/TW đã khẳng định đội ngũ doanh nhân là “một trong những lực lượng nòng cốt” trong phát triển nền kinh tế độc lập, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Qua đó, tạo lực phát triển cho doanh nghiệp trong tình hình mới.

 Để có thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 41, Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đội ngũ doanh nhân với xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ngày 17/12.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên

Động lực cho thị phần bỏ ngỏ

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh khẳng định: Nghị quyết 41 có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp thực hiện rất đúng và trúng với mong đợi của doanh nhân Việt Nam. Nghị quyết đã khẳng định đội ngũ doanh nhân là “một trong những lực lượng nòng cốt”, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

“Vai trò và vị trí của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới, thời kỳ thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước đã được nâng tầm, mở rộng hơn nhiều so với Nghị quyết 09. Điều này đã tạo niềm tin và sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân” – ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định.

Kết nối giao thương , ký kết hợp tác đầu tư vào HANSSHIP giữa Hiệp hội CNHT TP Hà Nội (Hansiba) - Đoàn Đoàn nghiệp Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Khắc Kiên
Kết nối giao thương , ký kết hợp tác đầu tư vào HANSSHIP giữa Hiệp hội CNHT TP Hà Nội (Hansiba) - Đoàn Đoàn nghiệp Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Khắc Kiên

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp… đã làm rõ hơn vai trò này. Theo TS. Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, thực hiện đường lối của Đảng, dưới sự quản lý của Nhà nước, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp tiềm lực như: Viettel, T&T, Geleximco, Vietnam Airlines, Vinamilk, FPT, Thaco, TH Group, Sunhouse… đang ngày một lớn dần về cả về quy mô, năng lực cạnh tranh, sản phẩm dịch vụ, quản trị điều hành, công nghệ. Đã có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và lọt vào danh sách “tỷ phú USD” toàn cầu nhờ môi trường, chính sách phù hợp và triển khai kịp thời.

TS. Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội chia sẻ. Ảnh: Khắc Kiên
TS. Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội chia sẻ. Ảnh: Khắc Kiên

Song, Việt Nam chưa có doanh nghiệp mang thương hiệu toàn cầu nổi bật như Toyota, Honda, Samsung… Trong số hơn 5 triệu doanh nhân, Việt Nam gần như chưa có doanh nhân đủ danh tiếng toàn cầu như mục tiêu được Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới đã nêu ra...

Chủ tịch Tập đoàn N&G Nguyễn Hoàng cho biết, việc triển khai hóa định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển các lĩnh vực thuộc ngành CNHT là nhiệm vụ hết sức đúng đắn, chính xác và phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp. Đây là động lực bù đắp sự thiếu hụt cho doanh nghiệp ngành CNHT với “thị phần bỏ ngỏ” đầy tiềm năng tại thị trường Việt Nam, từ đó có thể “len chân” vào chế biến – chế tạo CNHT của thế giới.

Trong dây chuyền sản xuất của MBT. Ảnh: Khắc Kiên
Trong dây chuyền sản xuất của MBT. Ảnh: Khắc Kiên

Số liệu ước tính, sản xuất các sản phẩm CNHT với chế tạo ô tô nội địa hóa mới đạt khoảng 5 - 20%, điện tử khoảng 5 - 10%, dệt may và da giầy 30%, CNHT cho công nghệ cao 1 - 2%, cơ khí chế tạo khác 15 - 20%. “Từ hạn chế về việc nội địa hóa các sản phẩm CNHT dẫn tới khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD (riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử, ô tô vào khoảng 35 - 50 tỷ USD)” - vị này nói.

Đặc biệt, Việt Nam chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp đang tham gia vào sản xuất chế tạo trong ngành CNHT. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp CNHT tại một số nước ngay trong khối ASEAN.

Kiến giải để phát triển

Trước những thuận lợi và khó khăn, ông Nguyễn Hoàng kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng Luật CNHT và trình Quốc hội sớm ban hành; Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5 - 10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam;

Chủ tịch Tập đoàn N&G Nguyễn Hoàng nêu ý kiến. Ảnh: Khắc Kiên
Chủ tịch Tập đoàn N&G Nguyễn Hoàng nêu ý kiến. Ảnh: Khắc Kiên

Cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế (Bắc – Trung – Nam) để phát triển các ngành CNHT, có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn, quy định về điều kiện vay vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp...); Quy hoạch và chính sách cụ thể hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu tại 3 miền Bắc – Trung - Nam... Việc kết nối các doanh nghiệp tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam là hết sức quan trọng, thúc đẩy và “kèm cặp” để các doanh nghiệp FDI cũng đặt hàng...

Từ thực tế, TS Mạc Quốc Anh chỉ ra một số giải pháp tiếp tục phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Một là, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp...

Thứ hai, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phù hợp với chuẩn mực xã hội và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập, gắn trách nhiệm xã hội của doanh nhân.

Thứ tư, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và quá trình hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, việc các tổ chức đại diện doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng phát triển là điều tất yếu. Vì vậy, cần phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong việc “kết nối, chia sẻ và lan tỏa” các giá trị tri thức, công nghệ, kinh nghiệm và lợi ích để phát triển...

Đội ngũ doanh nhân cần phải phát triển lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh

 

*Nguồn báo: Kinhtedothi.vn.

Động lực cho doanh nhân giữ nòng cốt phát triển kinh tế độc lập

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji
 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Sien I&D
Vesta
 Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội