Hãy cất cánh bay, đàn chim Việt

02:51 | 18/10/2017

(nhandan.com.vn) Một cánh chim đơn lẻ, dĩ nhiên chẳng thể làm nên mùa xuân. Nhưng, nếu liên kết thành đàn chim Lạc Việt thì có thể chinh phục những khoảng trời rất xa.

 

Chuyện thứ nhất 

Còn nhớ, thời điểm khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2007-2008, cộng đồng doanh nghiệp Việt như trải qua cơn bạo bệnh. Ở đáy khủng hoảng, doanh nhân Nguyễn Liên Phương, học viện Doanh nhân Liên Phương, đã khởi xướng sáng kiến "Đàn chim Việt". Ông Phương tin rằng, trong mỗi doanh nhân Việt đều có một sức mạnh lớn, nếu được khơi gợi, và được kết nối, thì sẽ tạo nên sức mạnh của thế hệ doanh nghiệp Việt thời hội nhập.

Đu-bai (Dubai) - cửa ngõ vào các thị trường Trung Đông, châu Phi, Nam Á được lựa chọn là điểm đến đầu tiên của Đàn chim Việt. Cũng lần đầu tiên có một công ty kinh doanh trên thị trường quốc tế, do một tập thể nhiều doanh nhân Việt cùng làm chủ. Năm 2013, 24 doanh nghiệp sáng lập viên (hoạt động trên những lĩnh vực được đánh giá là rất tiềm năng của Việt Nam như nông sản thực phẩm, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng...), dẫn đầu là Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, tạo nên ngôi nhà chung mang tên VChoice (Lựa chọn Việt) tại khu bán buôn quốc tế của Dubai. Từ đây, các hoạt động xúc tiến thương mại được tiến hành trực tiếp để chào hàng đến các đối tác của cả khu vực Trung Đông và châu Phi.

Dự định thì rất lớn, ý tưởng rất hay, khu trưng bày được thành lập cũng ấn tượng.

Song, điều đáng nói là sau một vài năm, dường như chính ông Nguyễn Liên Phương cũng tỏ ra kém mặn mà, nếu không muốn nói là tránh nhắc đến Đàn chim Việt… Những cánh chim đầu đàn liệu đã mỏi?

Hay chính điểm yếu thiếu tính liên kết, thiếu tầm nhìn xa đã tạo nên cảnh có hợp đấy mà khó tránh được tan đàn?

Chuyện thứ hai

Trong một lần trò chuyện với ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn phát triển công nghiệp phụ trợ N&G, ông kể: Người thầy giáo nước ngoài trong lớp quản trị doanh nghiệp có nêu câu hỏi: "Vì sao người bán cua ở các khu chợ không bao giờ phải lo đậy điệm?". Khi tất cả còn đang "ớ ra", thì ông thầy này nói: "Vì cứ con cua nào định bò lên sẽ liền có ngay con cua khác kéo nó xuống. Và kinh doanh ở Việt Nam cũng vậy".

Câu chuyện này ám ảnh ông Hoàng rất lâu. Và khi đã "dấn thân" khởi tạo khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, ông càng thấy thấm thía. Các doanh nghiệp Nhật Bản đòi hỏi cao, nổi tiếng với yêu cầu sáng tạo trong công việc; doanh nghiệp Hàn Quốc kỷ luật nghiêm và vô cùng nhanh nhạy... Còn doanh nghiệp Việt, thật khó xác định được nét gì tạo nên thương hiệu chung? Sự cần cù ư? Có thể, nhưng điều đó không thật sự tạo nên năng lực cạnh tranh... Còn kỹ năng hợp tác nhằm củng cố "nội lực" để "cùng thắng", xem ra cũng chưa thật sự được định hình.

Vậy nên, tham vọng ban đầu - tạo nên khu công nghiệp để các doanh nghiệp Việt trở thành vệ tinh cho những thương hiệu lớn, phát triển công nghiệp phụ trợ như ngành mũi nhọn - mà ông Hoàng và Hiệp hội ngành Doanh nghiệp hỗ trợ Hà Nội theo đuổi bấy lâu vẫn gần như ở điểm xuất phát. Bởi, nhà đầu tư nước ngoài dẫu muốn cũng không dễ nói "ok" với doanh nghiệp bản địa không hợp chuẩn của họ.

Chuyện thứ ba

Chẳng mới mẻ gì những chuyện doanh nghiệp Việt thiếu tính liên kết, hay mắc bệnh "chậm lớn". Nhưng hội nhập, như cơn sóng lớn đã "dựng đứng" ngoài kia, đủ để doanh nghiệp hiểu: Nếu không tìm ra con đường "định danh", sẽ rất khó tồn tại. Giờ đây, môi trường kinh doanh đã khác, thì doanh nghiệp cũng phải thay đổi, không thể cứ theo cách cũ mà làm là xong nữa. Nhớ lại chuyện Viettel đầu tư sang châu Phi, giúp cải thiện đời sống người dân bản địa, đã xóa nhòa những khoảng cách mênh mông cát trắng bằng những giao tiếp giữa người với người rất thực qua sóng điện thoại. Người dân ở đây nói rằng: Họ đã từng chảy nước mắt nhìn những con tàu Trung Quốc chở tài nguyên của xứ họ đi, và giờ thì thấy vui mừng khi giữa sa mạc nhìn thấy những cột điện của Viettel. Đó là cách phát triển bền vững, với kết quả là sự ghi nhận, và hứa hẹn "lòng trung thành" của khách hàng.

Tiếc rằng, cánh én ấy còn quá đơn lẻ, cho cả một mùa xuân kỳ vọng. Cần những lần dào dạt nữa, từng đàn chim Việt rợp cánh bay lên!

LƯU HƯƠNG


Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji
 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Sien I&D
Vesta
 Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội