Đó là thông tin được đưa ra ở Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với nhà đầu tư trong các khu công nghiệp (KCN) Hà Nội năm 2023 do Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội tổ chức, tối 19/12, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, sự kiện thực hiện Chương trình số 04/CTr-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của Thành phố năm 2023.
Thời gian qua, các KCN Hà Nội cũng đã đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội Thành phố. Đồng thời, thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu, giải quyết việc làm.
Tiếp nối thành công của năm thứ nhất 2022, ông Lê Quang Long thông tin, đây là năm thứ 2 Ban Quản lý tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ. Hội nghị lần đầu năm 2022 được cộng đồng doanh nghiệp trong KCN đánh giá cao, góp phần không nhỏ vào kết quả thu hút đầu tư năm 2023. Theo đó, năm 2023, các KCN Hà Nội thu hút đầu tư cao hơn năm trước, đạt 613 triệu USD quy đổi, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2022.
Mục đích Hội nghị được tổ chức nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào các KCN trên địa bàn Thành phố, tăng cường hỗ trợ, chia sẻ giải quyết khó khăn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong KCN với doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
“Năm nay, hơn 100 nhà đầu tư có đóng góp lớn trong năm 2023, đại diện cho hơn 700 nhà đầu tư trong các KCN Hà Nội. Đây sẽ là nơi để các nhà đầu tư nắm rõ hơn về cơ chế, chính sách, định hướng phát triển của Hà Nội, qua đó tiếp tục đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh, cũng như mời gọi các đối tác khách hàng đến đầu tư tại Hà Nội nói chung, các KCN Hà Nội nói riêng” – ông Lê Quang Long nói.
Đến cuối năm 2023, trên địa bàn Thành phố có 10 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt trên 95%. Nổi bật là KCN Nam hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP), giai đoạn 1 diện tích 76,9ha đã có 6 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đến nay diện tích đất cơ bản được lấp đầy; Khu công viên CNTT Hà Nội, quận Long Biên diện tích 36ha đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ phát; KCN sạch Sóc Sơn, diện tích 302ha được thành lập theo Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 03/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ đang trong giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án...
Lũy kế đến nay, số dự án thứ phát đang hoạt động tại các KCN là 710 dự án, trong đó có 302 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 408 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng; Có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại các KCN, trong đó, Nhật Bản chiếm khoảng 60% tổng vốn đăng ký đầu tư. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn của các công ty đa quốc gia có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao như: Canon, Yamaha, Meiko, Terumo, Hoya…
Với những nỗ lực trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, tính đến tháng 12, các KCN đã thu hút đầu tư được 10 dự án mới (05 dự án trong nước vốn đăng ký 491 tỷ đồng, 5 dự án FDI vốn đăng ký 170 triệu USD); 20 dự án mở rộng (vốn đầu tư tăng 137,6 triệu USD và 6.905 tỷ đồng)...
Năm 2024, Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cùng doanh nghiệp trong KCN sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hạn chế, khuyết điểm để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra.
Dự sự kiện, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Thành Quân đánh giá cao Ban và các nhà đầu tư đã nỗ lực vượt qua khó khăn, góp phần kết quả chung của Thủ đô và đất nước.
Việc thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Hà Nội không những góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội chung của Thủ đô, mà còn làm thay đổi cơ cấu ngành theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới; sản xuất các sản phẩm thiết yếu phục vụ sản xuất công nghiệp và tiêu dùng trong nước; các ngành đều có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao…
Để có được kết quả đó là sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính của chính quyền các cấp, của Ban nên Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung được coi là điểm đến thu hút đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước vào sản xuất, kinh doanh.
Hi vọng trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Ban tiếp tục phát huy, tham mưu Thành phố có chính sách để hút đầu tư; Ban và các nhà đầu tư hạ tầng, lẫn thứ cấp thực hiện các mô hình mới để mang lại những giá trị cao; phối hợp với các huyện, thị xã nhanh chóng giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất để các nhà đầu tư đã được phê duyệt vào đầu tư.
*Nguồn báo: kinhtedothi.vn
Hút đầu tư vào khu công nghiệp Hà Nội năm 2023 đạt 613 triệu USD