Nỗ lực vì một ngành công nghiệp hỗ trợ

07:27 | 18/03/2016

(DĐDN) – Trả lời DĐDN, ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch Ủy ban Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VCCI) đồng thời là Chủ tịch HANSIBA khẳng định: Nhà nước cần hóa giải các “nút thắt” khó khăn cơ bản của các DN ngành CNHT tại Việt Nam để ngành công nghiệp này của Việt Nam phát huy được năng lực thực sự của mình.

– Thưa ông, việc Chính phủ ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP với hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi… được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển trong thời gian tới, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Trải qua 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã bứt phá từ kế hoạch hóa tập trung sang hội nhập phát triển hoàn toàn vào nền kinh tế thị trường đầy đủ, đời sống của nhân dân cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đã được tạo ra để phát triển và cũng đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, nền sản xuất trong lĩnh vực CNHT nói riêng hiện còn quá nhỏ bé. Điều này đã được Đảng – Nhà nước – Chính phủ hết sức quan tâm và đã cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo. Đặc biệt, Nghị định về CNHT vừa được Chính phủ ban hành ngày 03/11/2015 đã khẳng định minh chứng rõ tầm quan trọng của ngành CNHT đối với nền công nghiệp Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Doan cong tac Japan_11

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VCCI) đồng thời là Chủ tịch HANSIBA (cà vạt đỏ, đứng giữa) trong chuyến công tác thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại Nhật Bản tháng 11/2015.

Theo tôi, đó chính là “kim chỉ nam” để các DN, doanh nhân đã, sẽ tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực CNHT cũng như cộng đồng DN Việt Nam có định hướng trọng tâm phát triển, nhằm chung tay cụ thể hóa nhiệm vụ thực hiện các khâu đột phá, tạo đà tăng trưởng, tham gia chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa toàn cầu. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã, đang tham gia các hiệp định thương mại, các “sân chơi” lớn như TPP, các hiệp định thương mại tự do FTA của khu vực và trên thế giới. Góp phần cụ thể hóa chiến lược đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, hiện đại vào 2020 tầm nhìn 2030.

– Việc thành lập các trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ ở các địa phương nói chung và Hà Nội nói riêng đã tạo điều kiện rất lớn về cơ sở hạ tầng cho các DN ngành CNHT, tuy nhiên, vấn đề này hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Với vai trò là Chủ tịch Uỷ ban Phát triển CNHT Việt Nam, đồng thời Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT TP Hà Nội, ông có kiến nghị gì tới các cơ quan chức năng nhằm tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng cho các DN ngành CNHT?

Cơ hội lần thứ nhất để phát triển ngành CNHT của Việt Nam đã trôi qua kể từ khi Việt Nam có chính sách đổi mới mở cửa thu hút các DN có vốn đầu tư nước ngoài – FDI (đặc biệt là các DN tập đoàn lớn của nước ngoài đã vào Việt Nam đầu tư: Toyota, Honda, Ford, Intel, Panasonic,…) đó là ngay từ ngày đó chúng ta phải có chính sách thúc đẩy các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất các linh kiện phụ trợ cho các tập đoàn lớn này, mặt khác phải khuyến khích thậm chí phải có định chế để các DN tập đoàn này phải nội địa hóa các sản phẩm linh phụ kiện cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố và vì lợi nhuận của các tập đoàn này, cũng như do các tập đoàn này đã tham gia quá sâu vào việc nhận cung ứng đầu vào của các DN CNHT trên toàn thế giới, đặc biệt là DN tại chính bản quốc của họ.

Bên cạnh đó, nguồn lực các DN Việt Nam chúng ta còn hạn chế, phần lớn chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn và tự phát theo phong trào, chỉ kinh doanh thương mại nhỏ lẻ nhanh thu tiền và muốn làm giàu nhanh khi thấy đầu tư bất động sản, chứng khoán là có lời. Định hướng và tầm nhìn của chính sách vĩ mô Nhà nước là đúng đắn, nhưng ban hành chính sách để đi vào cuộc sống DN lại chưa kịp thời. Tính chịu trách nhiệm chung cho vận mệnh dân tộc còn rất yếu, các cơ quan ban ngành – địa phương – DN còn mang tính nhỏ lẻ cục bộ. Và đặc biệt tính chịu trách nhiệm cá nhân của mỗi vị trí còn rất hạn chế, có thể do thể chế quy định của pháp luật làm cho các cá nhân không dám phát huy và dám chịu trách nhiệm trong phạm vi quyền hạn của mình? Tình hình diễn biến chính trị và kinh tế thế giới biến động không ngừng. Bản chất là lợi ích cốt lõi của mỗi đất nước, tất cả đều có chung một mong muốn – ước mơ là làm sao cho quốc gia đó, dân tộc đó giàu lên nhanh chóng và còn góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình. Do vậy, tính cạnh tranh trong thương mại – sản xuất kinh doanh là vô cùng khốc liệt. Đâu đó sẵn sàng chà đạp lên tình bạn, anh em, đồng chí để thắng trước, lợi nhuận trước. Và sẵn sàng xâm chiếm đất đai, sông biển để hòng phát triển lợi ích… Mặt khác, việc toàn cầu hóa cũng làm cho các DN Việt Nam vốn đã yếu sẽ càng yếu trong sản xuất kinh doanh. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng cần được Nhà nước quan tâm chú trọng giải quyết.

Theo tôi, để phát triển được ngành CNHT, phải có những điều cần và đủ, hết sức thiết thực cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này, đó là các giải pháp về hạ tầng, nguồn vốn, cơ chế chính sách ưu đãi, đầu vào đầu ra sản phẩm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu ứng dụng cho đến sản xuất. Chính vì vậy, việc thành lập các trung tâm phát triển CNHT là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, cần quy hoạch cụ thể sẽ phát triển ở đâu? khu vực trọng điểm trung tâm kinh tế nào? mỗi vùng phát triển ngành CNHT gì? Không nên dàn trải, bởi với các điều kiện cần và đủ để phát triển ngành CNHT như tôi đã nêu trên, thì phân giai đoạn 1 tập trung phát triển ở một số vùng kinh tế lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng – nơi tập trung các trường Đại học, viện nghiên cứu, cơ quan chủ quản Nhà nước, các tổ chức quốc tế, định chế tài chính – ngân hàng… mới đủ điều kiện để vận hành và đưa các trung tâm phát triển ngành CNHT hoạt động có hiệu quả. Từ đó, sẽ thúc đẩy, hóa giải các “nút thắt” khó khăn cơ bản của các DN ngành CNHT tại Việt Nam.

Các sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được ưu tiên tham gia vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

– Hà Nội đã đầu tư KCN Nam Hà Nội (Hanssip) nhằm hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho các DN công nghiệp hỗ trợ. Ông có thể cho biết, kế hoạch triển khai KCN hỗ trợ này như thế nào?

Nắm bắt được ý nghĩa hết sức to lớn trong nhiệm vụ phát triển ngành CNHT tại Việt Nam, Cty cổ phần Đầu tư Phát triển N&G (N&G Corp) là DN cổ phần tư nhân được hình thành và ra đời năm 2001. Đơn vị đồng sáng lập Hiệp hội DN ngành CNHT TP Hà Nội (HANSIBA). Trải qua gần 15 năm phát triển, N&G Corp đã luôn phấn đấu để đạt được ý nghĩa là phát triển cho DN và đóng góp vào sự hưng thịnh của đất nước. Năm 2006, N&G Corp đã mạnh dạn nghiên cứu, khảo sát ngành CNHT Việt Nam và nhận thấy việc Đảng – Nhà nước chỉ đạo để từng bước đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp tiên tiến theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong đó lấy việc phát triển ngành CNHT là động lực then chốt để hoàn thành nhiệm này là vô cùng chính xác. Trong năm 2010, N&G Corp đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Thành phố Hà Nội cho phép thành lập KCN hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) là KCN chuyên sâu ngành CNHT đầu tiên của Việt Nam để quy tụ các DN trong nước và quốc tế vào tham gia sản xuất các sản phẩm CNHT – sản phẩm công nghệ cao. Trải qua 5 năm chuẩn bị và do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan (sát nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, nhiều chính sách mới trong giải phóng mặt bằng, khủng hoảng kinh tế thế giới và Việt Nam…).

Đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành khoảng 90 ha đủ điều kiện tiếp đón các DN đầu tư vào tham gia sản xuất. Hanssip được quy hoạch 640 ha và định hướng mở rộng là 2.000 ha, Hanssip nằm trên trục quốc lộ quan trọng số một Việt Nam (quốc lộ 1B) tại Cầu Giẽ – cửa ngõ phía Nam Hà Nội. Hanssip là động lực quan trọng để thúc đẩy ngành CNHT Hà Nội – các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ và Việt Nam. Mặt khác, Hanssip được quy hoạch thiết kế tổ hợp công nghiệp – đô thị bởi tập đoàn Nikken Sekkei – Nhật Bản để thúc đẩy hình thành đô thị vệ tinh CNHT phía Nam Hà Nội – đô thị vệ tinh Phú Xuyên. Đặc biệt, trong năm 2014, hiệp hội HANSIBA cùng Cty N&G Corp rất vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo cơ quan Trung ương và chính quyền TP Hà Nội về thăm và làm việc tại Hanssip. Chủ tịch nước đã chỉ đạo rất cụ thể, chi tiết để ngành CNHT Việt Nam phát triển. Chủ tịch nước mong muốn Hanssip sẽ là điển hình phát triển để thúc đẩy, lan tỏa phát triển ngành CNHT ra cả nước.
Hiện N&G Corp đã, đang phối hợp cùng Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội dốc toàn lực để phát triển không chỉ hạ tầng khu công nghiệp – đô thị Hanssip, nơi được chúng tôi xác định là “địa chỉ đỏ” để quy tụ các DN trong nước và quốc tế vào tham gia đồng hành, phát triển sản xuất các sản phẩm CNHT và CNHT công nghệ cao. Bên cạnh đó N&G Corp còn là nhà đầu tư cùng với các DN hội viên Hiệp hội HANSIBA, các DN “khởi tạo” sẵn sàng liên doanh, liên kết, hợp tác phát triển ngành CNHT với các tập đoàn đa quốc gia đang, sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Hà Nội – Việt Nam.

– Cùng với cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng đồng bộ, theo ông nội lực của bản thân DN cần thay đổi điều gì để nâng ngành CNHT lên?

Nền kinh tế đất nước đang trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Ngay trong khu vực ASEAN, các DN Việt Nam có nguy cơ “thua trên sân nhà”. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, các DN Việt Nam nói chung và khối DN hiện đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các DN ngành CNHT Việt Nam cần quy tụ, dưới sự định hướng dẫn dắt từ các quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, nắm bắt kịp thời các chính sách của Chính phủ ban hành. Tham gia tích cực các phong trào hoạt động liên quan đến định hướng phát triển sản xuất kinh doanh do các cơ quan, ban ngành như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Nắm bắt những cơ hội giao thương, kết nối từ các tổ chức Hiệp hội ngành hàng hoạt động thiết thực, hiệu quả với các tổ chức trong nước và quốc tế… Để từ đó sẽ kiện toàn lại nội lực, giải quyết vướng mắc trong các vấn đề quản trị DN từng ngày như: nguồn vốn, công nghệ, hạ tầng nhà xưởng sản xuất, kết nối chuỗi đầu vào, đầu ra sản phẩm, tiếp thu các quy trình quản trị và công nghệ mới… Đặc biệt là vị thuyền trưởng của mỗi DN cần phát huy tinh thần yêu nước, dám nghĩ, dám làm, chấp nhận rủi ro, đương đầu với mọi khó khăn thách thức chèo lái con thuyền DN mình đi đúng hướng.

– Trân trọng cảm ơn ông!

 

Thúy Oanh thực hiện

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji
 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Sien I&D
Vesta
 Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội