Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Một số vấn đề đặt ra

09:59 | 03/04/2014

TCCSĐT - Ngành công nghiệp hỗ trợ đang đóng vai trò quan trọng, góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước, tạo ra sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và phát triển thị trường nội địa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững.

 Vai trò của công nghiệp hỗ trợ 

   Công nghiệp hỗ trợ được hiểu khác nhau giữa các nước, tùy thuộc vào ưu tiên trong chiến lược phát triển của từng quốc gia. Đối với Việt Nam, có thể hiểu công nghiệp hỗ trợ là ngành công nghiệp sản xuất ra các linh kiện, phụ tùng, sản phẩm trung gian,… đóng vai trò là đầu vào (inputs) và lắp ráp chúng để trở thành sản phẩm cuối cùng. Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có những đặc trưng riêng và có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.

Có thể khái quát vai trò của công nghiệp hỗ trợ đối với phát triển kinh tế một quốc gia đang trong giai đoạn phát triển như Việt Nam ở những điểm chính sau:

1) Công nghiệp hỗ trợ là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, hay còn gọi là GDP công nghiệp hoặc giá trị mới cho công nghiệp.

2) Công nghiệp hỗ trợ là cơ sở để thực hiện hội nhập công nghiệp toàn cầu. Hội nhập quốc tế quan trọng là hội nhập ở thượng nguồn, tức là phối hợp với nhau trong quá trình tham gia sản xuất linh kiện, để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Công nghiệp hỗ trợ chính là mắt xích quan trọng trong vấn đề này, chứ không phải công nghiệp lắp ráp - thuộc khâu hạ nguồn, không mang tính sản xuất và chế tạo.

3) Công nghiệp hỗ trợ là nơi sử dụng các công nghệ cao. 

4) Công nghiệp hỗ trợ là trường học thực tiễn để đào tạo tay nghề. Lao động trong công nghiệp hỗ trợ mới có cơ hội để sáng tạo, còn lắp ráp thì robot cũng có thể làm được. 

5) Công nghiệp hỗ trợ góp phần “chữa trị căn bệnh” nhập siêu và giảm lạm phát. 

6) Công nghiệp hỗ trợ tạo ra cơ hội để giữ gìn an ninh kinh tế. Phát triển công nghiệp hỗ trợ góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và tạo tăng trưởng bền vững. 

7) Công nghiệp hỗ trợ sẽ là động lực thúc đẩy ý tưởng, sáng tạo, quyết đoán, chấp nhận rủi ro, sẵn sàng hợp tác, do công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi phải liên kết thành chuỗi doanh nghiệp.

   Đối với Việt Nam, khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008 - 2009 đã bộc lộ nhiều yếu kém trong mô hình phát triển kinh tế của mình, trong đó, điểm nhấn rõ rệt nhất là tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Xuất khẩu, trong một thời gian dài, đã giúp chúng ta thoát nghèo, đưa mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt trên 1.000 USD vào thời điểm đó, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 7% - 8% mỗi năm. Tuy nhiên, do chưa chủ động được nguồn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào nên xuất khẩu lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Nhập siêu là tình trạng bình thường trong nhiều năm qua. Mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu như thế đã làm cho kinh tế nước ta có tính phụ thuộc vào kinh tế thế giới. Khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa Việt Nam như: Mỹ, Nhật, EU gặp khó khăn. Xuất khẩu thu hẹp đột ngột, giá nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, doanh nghiệp lao đao, đối mặt với phá sản, lạm phát, thất nghiệp gia tăng. 

Đó là thực trạng ở nước ta giai đoạn cuối năm 2008 đến giữa năm 2009. Thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta phải có biện pháp tăng cường sự chủ động của nền kinh tế, tái cấu trúc lại mô hình phát triển. Trong đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết này. Nó sẽ giúp các ngành sản xuất chủ động được nguồn nguyên vật liệu đầu vào, chủ động lựa chọn được nhà cung cấp, cắt giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh. Chưa kể, công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn được chiến lược phát triển phù hợp với chuỗi giá trị gia tăng của ngành trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế. Ngoài ra, phát triển công nghiệp hỗ trợ còn tạo cơ hội và thúc đẩy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh mẽ, tạo nên mạng sản xuất kinh doanh đa dạng và rộng khắp. Đây chính là nền tảng để phát triển một nền công nghiệp tự chủ, hiện đại. Phát triển công nghiệp hỗ trợ còn làm gia tăng năng lực cạnh tranh của ngành và quốc gia, bù đắp cho thế mạnh đang suy giảm của Việt Nam về giá nhân công rẻ. 

   Có thể thấy, phát triển công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng để tái cấu trúc nền công nghiệp nước nhà cũng như tái cấu trúc nền kinh tế nói chung.

Thực trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam 

Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện nay còn hạn chế, phần lớn sản phẩm quan trọng, có giá trị cao đều phải nhập khẩu. Thực trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam có thể khái quát ở những điểm chính sau:

Thứ nhất, công nghiệp hỗ trợ manh mún, kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp ô-tô, xe máy; công nghiệp dệt may, giày da.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, tính đến nay, Việt Nam có khoảng hơn 200 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho 50 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô-tô. Nhưng các linh kiện, phụ tùng đó chủ yếu là các sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như: các chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, xăm lốp, bộ tản nhiệt... Đến nay, có lẽ công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho ngành xe máy được coi là thành công nhất với việc hình thành một hệ thống các nhà cung ứng ngay trong nội địa. Trong quá trình hợp tác, đã có sự chuyển giao công nghệ từ các công ty lắp ráp nước ngoài đến các doanh nghiệp Việt Nam cung ứng linh kiện. Tỷ lệ nội địa hoá các loại xe gắn máy do trong nước sản xuất đã đạt khoảng 85 - 90%. Hầu hết các linh kiện của xe số, kể cả linh kiện động cơ, đều đã được sản xuất trong nước. Các sản phẩm chính trong xe máy hầu hết đã được sản xuất với số lượng lớn, đạt tiêu chuẩn của các nhà lắp ráp và tạo thành hệ thống cung ứng khá hiệu quả. Mặc dù vậy, nhiều linh kiện, chi tiết quan trọng với giá trị cao vẫn do các nhà cung ứng FDI thực hiện, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các ngành khác như điện tử, ô-tô còn rất yếu kém. 

   Lĩnh vực linh kiện, thiết bị phục vụ cho sản xuất thiết bị đồng bộ mà chiến lược phát triển ngành cơ khí hướng tới (bao gồm sản xuất máy móc, thiết bị tàu thủy, điện, than, xi măng,…) đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, ngành cơ khí mới tham gia sản xuất được một phần sản phẩm phi tiêu chuẩn, chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị thiết bị. Trong đó, ngành cơ khí trong nước đã chế tạo được 50% - 70% khối lượng của một số thiết bị tiêu chuẩn như thiết bị vận chuyển bao gồm gầu nâng, vít tải, băng tải; thiết bị kho bãi như thiết bị chất liệu, dỡ liệu, thiết bị lọc bụi… Các nhà thầu Việt Nam hầu như chưa tự sản xuất được các loại máy móc, thiết bị chính phục vụ cho các dự án lớn. Phần máy móc thiết bị có giá trị, mang lại lợi nhuận cao của các nhà máy điện, xi-măng hay dầu khí chủ yếu vẫn do các nhà thầu phụ nước ngoài đảm nhận.

Công nghiệp sản xuất linh, phụ kiện điện tử vẫn chưa có bước phát triển tương xứng. Trong tổng thể công nghiệp điện tử Việt Nam, lĩnh vực sản xuất linh, phụ kiện điện tử chỉ chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư của ngành, không đủ mạnh để cung ứng linh kiện cho lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng vốn chiếm tới 67% và điện tử chuyên dụng chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. 

Ngành dệt may - da giày cũng là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam, nhưng có tới 80% - 85% tỷ lệ nguyên, phụ liệu phải nhập khẩu, bao gồm: vải, da, chỉ khâu cao cấp, nút áo, khoá kim loại...

Tóm lại, ngoại trừ một số rất ít doanh nghiệp đã tham gia được vào sản xuất phụ trợ cho các công ty lắp ráp, phần lớn các doanh nghiệp vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu.

Thứ hai, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ở trong nước công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh yếu kém.

   Theo kết quả các khảo sát thì trình độ công nghệ của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở nước ta mới chỉ đạt ở mức trung bình so với khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ có sản phẩm của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này là có trình độ tiên tiến. Chính điều này đã dẫn đến việc chúng ta vẫn phải nhập khẩu những linh kiện, chi tiết cho sản xuất.

Về năng lực công nghệ kỹ thuật, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI được trang bị công nghệ, máy móc hiện đại và hoàn chỉnh, đa số doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, vì vậy, chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của nhà lắp ráp.

Thứ ba, còn vắng bóng công nghiệp công nghệ cao.

Hiện nay, ở Việt Nam chưa sản xuất được những linh kiện đòi hỏi trình độ công nghệ cao như các linh kiện bán dẫn, linh kiện cơ khí điện tử, quang điện tử… Muốn phát triển sản xuất các loại linh kiện này cần có vốn đầu tư lớn và phải có thị trường tiêu thụ lớn, ổn định nhưng cả hai yêu cầu trên đang là những thách thức mà các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt. 

Bên cạnh đó, các loại sản phẩm điện - điện tử cung cấp cho các ngành sản xuất lắp ráp khác còn kém phát triển. Trong đó, đáng kể nhất là lĩnh vực sản xuất linh kiện điện - điện tử cung ứng cho ngành ô-tô, xe máy, với hệ thống các doanh nghiệp cung ứng khá lớn, chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI này là những nhà cung ứng nằm trong hệ thống cung ứng toàn cầu của các “Công ty mẹ” nên sản phẩm làm ra chủ yếu là để xuất khẩu theo những hợp đồng trong hệ thống cung ứng chung, chỉ một phần nhỏ cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện - điện tử cho các lĩnh vực khác như sản xuất thiết bị đồng bộ, cơ khí chuyên dụng, công nghiệp công nghệ cao còn kém phát triển.

Thứ tư, các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế.

   Do sản xuất trong nước còn khá hạn chế, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Năm 2012, có 1.631 doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với số vốn đăng ký lên tới trên 22,8 tỷ USD, chiếm 13,2% số dự án và 20,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp. Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thu hút được nhiều vốn FDI là điện - điện tử với số vốn thu hút trên 10 tỷ USD, cơ khí: 5,2 tỷ USD, dệt may: 5,1 tỷ USD… Lĩnh vực đầu tư của khu vực FDI như vậy là phù hợp với năng lực sản xuất của các ngành sản xuất hạ nguồn ở Việt Nam: Các ngành cơ khí, điện - điện tử và dệt may hiện đã khá phát triển với sản lượng sản xuất tương đối lớn, nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cao.

   Nhìn chung, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam đã tồn tại và đang phát triển một cách tự phát và đạt được một số kết quả nhất định nhưng còn nhiều hạn chế cả về môi trường thể chế, thông tin thị trường, nguồn nhân lực đến quy mô, trình độ công nghệ của doanh nghiệp... Chính sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ cũng góp phần vào thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam.

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém và những thách thức đặt ra

Về nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên:

Vai trò của quản lý nhà nước chưa thật rõ nét. Trong khi các doanh nghiệp tham gia công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn nhiều hạn chế về nguồn lực thì sự tham gia của Chính phủ là rất cần thiết. Cho đến nay, Việt Nam đã có Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN ngày 31-7-2007). Tuy nhiên, bản quy hoạch này chỉ mang tính định hướng và đưa ra những nhóm giải pháp chung. Theo nhiều đánh giá, Nhà nước vẫn chưa hỗ trợ mạnh mẽ, chiến lược và có hiệu quả trong việc tạo sự chuyên nghiệp về công nghiệp hỗ trợ. 

Thể chế phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Những vướng mắc cơ bản trong thể chế và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ là: (i) Chưa có quan điểm rõ ràng về công nghiệp hỗ trợ để xác định các chủ thể tham gia vào phát triển công nghiệp hỗ trợ; (ii) Cơ chế vận hành còn chưa đầy đủ, chủ yếu là mệnh lệnh hành chính từ trên xuống, không bám sát nhu cầu thị trường; (iii) Lúng túng trong việc đề ra các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, chưa giải quyết được những khó khăn đặc trưng của lĩnh vực này.

Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn chưa đầy đủ. Việt Nam đã có các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chính sách phát triển doanh nghiệp, chính sách tăng cường liên kết doanh nghiệp thông qua các khu, cụm công nghiệp, chính sách hỗ trợ tài chính, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các chính sách này không trực tiếp và đặc thù đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nên chưa phát huy được tác dụng. Hiện chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Chưa hoàn thiện, ban hành mới các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm công nghiệp, xây dựng các rào cản kỹ thuật cần thiết cho từng ngành, từng chủng loại sản phẩm…

Nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, nguồn nhân lực giá rẻ không còn là một lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút FDI của Việt Nam. Vấn đề cần phải quan tâm là làm thế nào để sản xuất được các mặt hàng vừa có chất lượng tốt, vừa có giá thành rẻ. Bởi sản phẩm rẻ nhưng chất lượng kém hay sản phẩm tốt nhưng giá thành cao về lâu dài đều rất khó có thể cạnh tranh được trước các sản phẩm nhập khẩu. Vì thế, điều cốt yếu hiện nay là cần phải đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng quản lý, khả năng ứng dụng và có tính sáng tạo để sản xuất ra được những sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam trong thời gian tới đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: 

Một là, các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất kinh doanh nước ngoài có doanh nghiệp lắp ráp ở Việt Nam nếu không tiếp cận được nguồn cung tại chỗ theo lộ trình giảm thuế trong khuôn khổ hợp tác mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nhiều đến năng lực cạnh tranh với các khu vực khác, và điều tất yếu họ sẽ chuyển đến sản xuất ở những nước có ngành công nghiệp hỗ trợ tốt hơn.

Hai là, theo tính toán, nhiều ngành công nghiệp hiện nay phụ thuộc 80% vào nguyên liệu, phụ tùng nhập khẩu. Chẳng hạn, ngành ô-tô mới nội địa hóa khoảng 5% - 10%. Các liên doanh lắp ráp ô-tô ở Việt Nam cho biết, nếu đến năm 2015, tỷ lệ nội địa hóa không đạt được khoảng 60%, thì nhiều khả năng họ cũng sẽ ra đi. Đó là sức ép rất lớn đối với Việt Nam nếu muốn duy trì ngành công nghiệp lắp ráp.

Ba là, đến nay, những nhà cung cấp linh kiện phụ tùng chủ yếu vẫn là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và vẫn đang còn khoảng cách tiêu chuẩn chất lượng khá lớn giữa các nhà cung cấp linh kiện trong và ngoài nước. So với những sản phẩm tương tự sản xuất tại Trung Quốc và Thái Lan, tiêu chuẩn và chất lượng sản xuất tại Việt Nam chỉ đáp ứng được 50%. Trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất máy tính, điện thoại di động, các thiết bị điện tử, hầu như nguyên liệu, phụ tùng đều phải nhập khẩu, Việt Nam chỉ sản xuất được 2 loại bao bì là bìa carton và vỏ nhựa của thiết bị.

Bốn là, Việt Nam có rất ít những liên kết công nghiệp hỗ trợ và cơ sở dữ liệu ngành vẫn chưa được chú ý, chưa có những cơ sở dữ liệu tin cậy, chưa tạo ra được chuỗi giá trị thông qua việc liên kết doanh nghiệp, kể cả sử dụng những dịch vụ tài chính, phi tài chính để khai thác các lợi thế cạnh tranh phục vụ cho phát triển những ngành công nghiệp này.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới 

   Công nghiệp hỗ trợ là một trong những nhân tố quyết định khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp. Nếu công nghiệp hỗ trợ không đáp ứng được yêu cầu, các dự án đầu tư lớn sẽ không lựa chọn Việt Nam mà tìm đến các nước khác trong khu vực; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể ra đi khi lợi thế về nhân công giá rẻ và ưu đãi về hạ tầng, thuế... không còn. Công nghiệp hỗ trợ không đủ mạnh, nhiều ngành công nghiệp sẽ không phát triển được tại Việt Nam. 

   Để phát triển thành công công nghiệp hỗ trợ, góp phần vào quá trình CNH, HĐH, trước hết cần xác định quan điểm phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam: (i). Đây là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (ii) Cần bảo đảm tuân theo định hướng thị trường; (iii) Cần dựa trên nguyên tắc phân công lao động quốc tế, khai thác lợi thế của quốc gia hướng đến mục tiêu xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; (iv) Tận dụng tối đa đầu tư nước ngoài, đặc biệt là của các tập đoàn đa quốc gia; tranh thủ vốn, công nghệ của nước ngoài, đặc biệt là các nước có nền kinh tế phát triển; (v) Cần có cơ chế, chính sách phát triển của Nhà nước phù hợp với đặc điểm của công nghiệp hỗ trợ; (vi) Cần xác định rõ ưu tiên trong từng giai đoạn, có trọng tâm, trọng điểm. 

Xuất phát từ thực trạng trên, xin kiến nghị một số nhóm giải pháp sau:

(1) Tiếp tục nâng cao nhận thức về công nghiệp hỗ trợ. Cần có các chương trình quảng bá về sản xuất công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam. Bên cạnh hệ thống mô hình đề xuất, kêu gọi hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước với vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân tham gia sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, điện, điện tử, nhựa, cao su,… dần dần phát triển thành các tập đoàn lớn chuyên cung ứng và xuất khẩu chi tiết, linh kiện cho thị trường quốc tế. Đây có thể là một mục tiêu không quá xa đối với các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.

(2) Khẩn trương xây dựng thể chế phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nội dung cơ bản của thể chế phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào: (i) Có một khung pháp lý để điều tiết hoạt động của tất cả các chủ thể tham gia vào phát triển công nghiệp hỗ trợ; (ii) Thành lập cơ quan đầu mối để thống nhất quản lý ở cấp vĩ mô và hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để phối hợp và liên kết hoạt động ở cấp vi mô; (iii) Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động độc lập, vận hành theo quan hệ cung - cầu của cơ chế thị trường trong khung pháp lý quy định và với sự hỗ trợ của Nhà nước; (iv) Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào tăng cường các mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước và giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp công nghiệp chính.

(3) Hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó nhấn mạnh đến các chính sách mang tính đột phá: (i) Phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ trong khu kinh tế mở; (ii) Phát triển các cụm liên kết công nghiệp hỗ trợ (industrial cluster); (iii) Xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; (iv) Xây dựng hệ thống tư vấn quản trị doanh nghiệp; (v) Hỗ trợ tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và nước ngoài; (vi) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ; (v) Đổi mới cơ chế hoạch định chính sách theo hướng tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thông qua vai trò của các hiệp hội.

(4) Đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong công nghiệp hỗ trợ. Cần phát triển công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu tập trung là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thay thế nhập khẩu, khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất công nghiệp hỗ trợ dành cho nhu cầu nội địa, với tỷ trọng sử dụng đầu vào tại nội địa cao. Điều này sẽ có tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước khi trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài này.

(5) Tiếp tục kêu gọi các tập đoàn sản xuất linh kiện xuất khẩu vào sản xuất tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp lớp dưới có thêm thị trường. Tuy nhiên, nếu như chưa có hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nội địa đủ mạnh, thu hút các doanh nghiệp này quá sớm không kèm các cam kết nội địa hóa thì sẽ chỉ là mô hình chế xuất, vì Việt Nam không có cơ hội cung ứng cho các tập đoàn này.

(6) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Muốn đặt ra mục tiêu phát triển một ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh và hoạt động có hiệu quả trong tương lai thì vấn đề căn bản nhất đặt ra là đó phải là một ngành công nghiệp có thiết bị, công nghệ tiến tiến, hiện đại. Muốn vậy, chất lượng nguồn nhân lực cũng phải được không ngừng nâng cao. Để làm được điều này, phải đào tạo cho được những kỹ sư có đủ trình độ về kỹ thuật thực hành và thực tiễn, trang bị cho họ kiến thức cần thiết về công nghệ hiện đại; mở rộng sự liên kết trong đào tạo giữa các trường đại học trong nước và các trường đại học có uy tín trên thế giới. Đồng thời, cần có sự đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo, từ các trường đại học cho đến các trường nghề. Việc cử người đi đào tạo ở những quốc gia có truyền thống mạnh về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của nước ta cũng là cần thiết. 

   Thực tế cho thấy, phát triển công nghiệp hỗ trợ vốn rất khó khăn vì nó vừa đòi hỏi công nghệ cao, đòi hỏi lao động chất lượng cao, song lại có rủi ro cao, bởi vậy chính sách cũng cần một lộ trình có tính khoa học cao, phù hợp với sự phát triển chung. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghiệp hỗ trợ cho thấy, thời gian đầu, vai trò của nhà nước rất quan trọng, trước hết là việc hình thành các chính sách. Cần có các văn bản quy định về phẩm cấp kỹ thuật, đăng ký ngành nghề, thay đổi về hải quan, về chính sách thuế... Tiếp đến là các ưu đãi về tài chính, về đất đai, hạ tầng, về đầu tư, về nguồn nhân lực, rồi chính sách khuyến khích thành lập các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, xây dựng các quỹ đặc thù riêng cho công nghiệp hỗ trợ, hình thành tổ chức đầu mối để thực hiện sự quản lý nhà nước dẫn dắt, liên kết các doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ, phân xử các tranh chấp hợp đồng cung ứng, xây dựng, ban hành cơ sở dữ liệu đầy đủ về công nghiệp hỗ trợ... Tóm lại, từ nhận thức về tầm quan trọng của phát triển ngành công nghiệp này, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thì mới có thể phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, góp phần phát triển nền kinh tế một cách bền vững, sớm đạt được mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./. Thông tin chung cư stellar palace dự án flc luxcity sầm sơn sản phẩm chung cư brg park residence dự án mới chung cư the emerald mỹ đình và giá bán


TS. Phạm Tất ThắngTạp chí Cộng sản

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji
 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Sien I&D
Vesta
 Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội