THAM GIA TPP - CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TPP - “cuộc chơi” chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam

10:24 | 07/10/2015

Việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào thời điểm này được nhìn nhận là bước ngoặt để thúc đẩy cải cách và phát triển kinh tế Việt Nam. Cho dù từ khi kết thúc đàm phán đến khi Hiệp định TPP được ký kết và chính thức có hiệu lực cần thêm một thời gian nữa, nhưng đây chính là chặng đường nước rút để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hoàn tất các bước chuẩn bị trước khi bước vào “cuộc chơi” mới.

Thử thách doanh nghiệp
“TPP không còn là điều gì đó xa vời, ngược lại, Hiệp định này đã cận kề các DN”, Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội Nguyễn Hoàng chia sẻ khi đón nhận thông tin về kết thúc đàm phán TPP tại Át-lan-ta (Hoa Kỳ) vào chiều 5-10 (theo giờ Việt Nam). Theo quy định của TPP, hàng hóa Việt Nam muốn xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu tự sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP. Đây chính là cơ hội “vàng” thúc đẩy các DN công nghiệp hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất khó có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm, trình độ quản lý cao, vì thế trước mắt, thay vì cạnh tranh, các DN Việt Nam có thể liên kết, hợp tác với DN nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, từ đó từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. “Từ nay đến khi Hiệp định TPP được ký kết và chính thức có hiệu lực, thời gian không còn nhiều cho nên DN cần tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cập nhật thông tin, trang bị kiến thức về TPP… để có thể chủ động tham gia sân chơi mới này”, Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Hoàng nhận định.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, TPP với mục tiêu xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thành viên sẽ là con đường không thể tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá khi tiếp cận thị trường các nước đối tác TPP. Tuy vậy, thách thức cũng nằm trước hết ở chính lợi thế về thuế quan này. Với TPP, ưu đãi thuế quan chỉ dành cho các sản phẩm xuất khẩu có xuất xứ nội khối phù hợp. Trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta chưa phát triển, phần lớn nguyên liệu sản xuất (chiếm tỷ lệ khá cao trong trị giá sản phẩm) của nhiều ngành xuất khẩu Việt Nam đang được nhập khẩu từ Trung Quốc, các nước ASEAN, Hàn Quốc…, với yêu cầu cao về tỷ lệ xuất xứ nội khối TPP thì đây rõ ràng là một đòi hỏi không dễ đối với DN Việt Nam.
Liên kết để hội nhập
Theo đại diện của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), khi Việt Nam tham gia vào TPP thì các DN da giày Việt Nam có lợi thế trước tiên là xóa bỏ mức thuế hiện tại của các dòng sản phẩm da giày từ 3,5% đến 57,4% để hưởng ưu đãi 0%, từ đó giúp DN ngành da giày tăng trưởng xuất khẩu. Bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ và cơ hội kinh doanh cho các bên thì các DN Việt Nam cũng đứng trước những thách thức không nhỏ như phải đạt yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm xuất khẩu, về lao động, nguyên tắc xuất xứ. Không chỉ vậy, với việc Việt Nam tham gia TPP, sẽ có làn sóng đầu tư ồ ạt của các nước vào Việt Nam với mục đích hưởng ưu đãi từ TPP. Điều này sẽ dẫn đến việc DN trong nước phải cạnh tranh gay gắt với DN nước ngoài về lao động, chi phí đầu vào, đất đai… Trước những thách thức này, các DN cần chủ động xây dựng các chính sách, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp tình hình nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, Chính phủ cần chuẩn bị hành lang pháp lý phù hợp nội dung đàm phán TPP và nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; quy hoạch phát triển vùng nguyên phụ liệu, tạo cơ sở hạ tầng cho ngành da giày phát triển bền vững. Ngoài ra, cần có chính sách đẩy mạnh liên kết giữa các DN theo dạng chuỗi cung ứng, giúp DN thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường các nước đối tác thông qua cắt giảm thuế quan, bãi bỏ các điều kiện hạn chế đối với đầu tư, dịch vụ...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Đặng Phương Dung cho biết, tham gia TPP, thuế suất nhập khẩu vào các nước thành viên TPP được xóa bỏ sẽ là cơ hội rất lớn cho các DN dệt may mở rộng thị trường, tìm kiếm các khách hàng mới, bởi hiện tại thuế suất của sản phẩm dệt may đang ở mức 17% - 18%. Tuy nhiên, thách thức lớn của ngành dệt may là phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ trong TPP (quy tắc xuất xứ từ sợi) và đây là điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam vì hiện tại Việt Nam mới chỉ phát triển được phần may, còn phần dệt và nhuộm rất yếu kém. Vitas sẽ tập trung đẩy mạnh kế hoạch, chương trình kết hợp đầu tư với nước ngoài nhằm bù đắp lại những “lỗ hổng” trong các khâu dệt, nhuộm..., tạo nguồn nguyên phụ liệu ổn định, lâu dài, đáp ứng yêu cầu làm hàng xuất khẩu. Ngoài ra, Vitas cũng sẽ đưa ra những tham vấn về các chính sách, quy hoạch để phát triển các cụm, khu công nghiệp tập trung; hệ thống xử lý nước thải... nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực. “Chúng tôi sẽ tổ chức các DN có những thế mạnh riêng biệt liên kết lại với nhau, thậm chí cả những DN của các nước thành viên TPP có thể hỗ trợ, liên kết lại nhằm tạo ra nguồn nguyên phụ liệu bền vững, sẵn sàng cung cấp cho các DN dệt may xuất khẩu”, Phó Chủ tịch Đặng Phương Dung nhấn mạnh.
Do năng lực cạnh tranh của nhiều DN trong nước còn hạn chế, cho nên sự liên kết, hợp tác giữa các DN trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh được coi là yếu tố quan trọng để DN hội nhập thành công. Chặng đường nước rút từ nay đến khi TPP được ký kết và thực hiện đòi hỏi sự chủ động, năng động, sáng tạo của các DN trong việc chuẩn bị, tìm kiếm những hướng đi mới, cách làm mới nhằm giúp DN tham gia “cuộc chơi” TPP một cách có hiệu quả.

Hiện tại, TPP đã kết thúc đàm phán, do đó Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) sẽ tiếp tục bám sát những bước tiếp theo cho đến khi Hiệp định được ký kết và triển khai. Thời gian thực hiện TPP dự kiến vào khoảng hai năm nữa. Trong thời gian này, Hiệp hội sẽ phối hợp với Bộ Công thương tổng hợp và phát hành cuốn sách có đầy đủ những thông tin liên quan TPP để DN có thể tìm hiểu, nắm bắt các thông tin cần thiết nhằm xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển hợp lý.

Đặng Phương Dung

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Trước hết, DN nhỏ và vừa cần có nhận thức đầy đủ về những nội dung cam kết trong TPP. Điều này giúp DN có thể xây dựng được lộ trình cho riêng mình, từ việc chọn thị trường, đến việc áp dụng công nghệ nào cho phù hợp, tạo nguồn lực như thế nào, lộ trình phát triển trong ngắn hạn cũng như dài hạn nhằm sớm thích nghi và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.

TS Cao Sỹ Kiêm

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
HOÀNG ANH VÀ VIỆT HẢI
 
  
( Theo Báo :http://nhandan.com.vn/ )

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji
 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Sien I&D
Vesta
 Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội