Thu hút FDI để phát triển công nghiệp hỗ trợ

10:08 | 26/11/2014

(nhandan.com.vn) - Theo mục tiêu, để Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có ý nghĩa vô cùng thiết yếu. Hiện tại, thị trường, thị phần sản xuất linh, phụ kiện cung cấp cho thị trường trong nước còn đang bỏ ngỏ rất lớn. Các doanh nghiệp (DN) ngành CNHT thành phố Hà Nội đang xúc tiến chương trình hợp tác đầu tư với các DN Nhật Bản nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này.

Giới thiệu tiềm năng và các chính sách thu hút đầu tư vào Khu CNHT Hanssip với đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản.
Giới thiệu tiềm năng và các chính sách thu hút đầu tư vào Khu CNHT Hanssip với đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ

Hiện nay, ở nước ta, hầu hết các linh, phụ kiện trên đều phải nhập khẩu từ nước thứ ba. Với ngành công nghiệp ô-tô, dòng ô-tô chở khách còn tới 60 - 70% số linh, phụ kiện chưa sản xuất được, dòng ô-tô bốn chỗ còn 90% số linh, phụ kiện chưa sản xuất được,... Hằng năm, kim ngạch nhập khẩu linh, phụ kiện cho ngành ô-tô khoảng 80 tỷ USD. Nước ta đang sản xuất khoảng 70 nghìn xe ô-tô mỗi năm, nhưng nếu chiếu theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô đã được Thủ tướng phê duyệt, vào năm 2020, khi Việt Nam đạt mục tiêu sản xuất 227.500 xe ô-tô mỗi năm, kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho ô-tô sẽ lớn gấp nhiều lần.

Ngành công nghiệp điện tử thời gian qua có tốc độ tăng trưởng cao (20 - 30%/năm), đặc biệt năm 2011, tốc độ tăng trưởng lên tới 96%. Nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài về công nghệ - thông tin đã đầu tư và mở rộng quy mô hoạt động, điển hình như Intel, Samsung Electronics, Canon, HP,... Trong năm 2012, ngành công nghiệp điện tử đã xuất khẩu hơn 22,9 tỷ USD sản phẩm, chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu cả nước, sản phẩm chủ yếu là linh kiện, sản phẩm, thiết bị phần cứng, máy tính, điện tử, viễn thông... Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn, đã đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư FDI, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, song thực tế ngành điện tử nước ta vẫn đang dừng lại ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử. Doanh thu ngành công nghiệp phần cứng và điện tử chiếm khoảng 90% toàn ngành công nghệ thông tin, nhưng trên thực tế, giá trị được nắm giữ chủ yếu bởi các DN FDI, các DN trong nước chỉ tập trung lắp ráp và thực hiện những dịch vụ thương mại.

Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT thành phố Hà Nội Nguyễn Hoàng cho biết: Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử, thực hiện Chiến lược CNH của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành công nghiệp điện tử tăng ít nhất 10% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, nằm trong số 10 ngành có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là phát triển CNHT phục vụ ngành công nghiệp điện tử. Việc hợp tác, thúc đẩy CNHT phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo việc làm cho các lao động trẻ tuổi trong nước.

Hợp tác theo nhiều phương thức

Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển N&G (Việt Nam) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Forval (Nhật Bản) nhằm phát triển Khu CNHT Nam Hà Nội (Hanssip), góp phần thúc đẩy ngành CNHT. Forval vừa là DN, đồng thời cũng giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban hỗ trợ các DN vừa và nhỏ của Nhật Bản với 240 nghìn thành viên, mạng lưới rộng khắp Nhật Bản. Tập đoàn này có uy tín lớn trong việc xúc tiến đầu tư, tư vấn cho các nhà đầu tư và DN Nhật Bản đầu tư trên toàn thế giới. Trên cơ sở hợp tác chiến lược, hai bên sẽ hỗ trợ lẫn nhau, nhằm tìm kiếm đối tác để phát triển mạng lưới kinh doanh và thu hút DN Nhật Bản đầu tư vào Khu CNHT Nam Hà Nội và ngành CNHT Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Hoàng cho biết: Hanssip sẽ là một KCN phức hợp, chuyên sâu với quy mô 640 ha, định hướng mở rộng lên 2.000 ha theo mục tiêu phát triển là thành phố CNHT, hiện đang tổ chức thi công xây dựng, nhằm tạo mặt bằng đồng bộ, hiện đại phát triển theo hướng KCN - hỗ trợ - dịch vụ - logistic - trung tâm thương mại,... để thu hút các DN tham gia sản xuất các lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện tử, tin học, sản xuất linh kiện ô-tô, CNHT phục vụ công nghệ cao,... Hanssip có thể bố trí mặt bằng cho khoảng 3.000 DN lớn, nhỏ, được kỳ vọng sẽ là động lực mũi nhọn để hình thành, phát triển Khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Hoàng, các DN vừa và nhỏ Việt Nam khó có thể ngay lập tức "chen chân" vào chuỗi giá trị toàn cầu, mà chỉ có thể hợp tác sản xuất với các DN Nhật Bản, trước mắt là nhà sản xuất sản phẩm CNHT ở mức độ gia công lớp thấp (F3, F4), để các DN Nhật Bản tiếp tục chế tạo thành sản phẩm linh, phụ kiện lớp F1 cung cấp cho các tập đoàn lắp ráp lớn của Nhật Bản cũng như các tập đoàn khác trên thế giới. Làm được điều này, các DN Việt Nam vừa có "đầu ra" ngay, lại dần tiếp cận nền sản xuất công nghệ cao của Nhật Bản, tiếp cận chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu. Việc hợp tác sẽ đa dạng theo nhiều phương thức, từ gia công sản phẩm đến liên doanh, liên kết, mua công nghệ từ Nhật Bản để đáp ứng theo tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm,... Trong chương trình xúc tiến đầu tư phát triển ngành CNHT Việt Nam tại Nhật Bản sẽ được tiến hành cuối tháng 11 này, Hanssip sẽ giới thiệu các tiềm năng, cơ hội và các cơ chế ưu đãi đầu tư cao nhất được Chính phủ cho phép áp dụng, nhằm thu hút các DN Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực CNHT ở Việt Nam...

Dự án Chung cư the k park chính thức ra mắt dự án the k park văn phú phân khúc mới the k park văn phú đang nóng nhất

BÀI, ẢNH: HÀ THIÊN
 

 

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji
 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Sien I&D
Vesta
 Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội