Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển

03:25 | 09/10/2017

Dù được đánh giá là ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò lớn trong thay đổi cơ cấu ngành, nhưng ở nước ta, công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Ðã có nhiều chính sách, cơ chế, đề án hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp này, nhưng các văn bản vẫn chưa cụ thể, rõ ràng, có thể giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn đang gặp phải.

 
Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội. Ảnh: THÀNH DŨNG

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh. Vì vậy, CNHT quyết định sức sống và sự tự chủ của ngành công nghiệp nói chung. Thế nhưng, ở nước ta mới có khoảng 0,3% số doanh nghiệp trong tổng số gần 500 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNHT. Tại Hà Nội, đến nay mới có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Ðây là những con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp CNHT tại một số nước trong khối ASEAN, chưa nói đến những nước công nghiệp phát triển khác.

Không chỉ ít về số lượng, mà chất lượng các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam cũng còn yếu. Có đến 60% sản phẩm CNHT của các doanh nghiệp phục vụ cho ngành da giày, dệt may. Chỉ có từ 1 đến 10% sản phẩm CNHT đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như công nghiệp công nghệ cao, điện tử, chế tạo ô-tô... Mới đây, Tập đoàn Samsung công bố nhu cầu 170 sản phẩm, hãng Toyota cũng công bố hàng trăm linh phụ kiện cần đối tác cung ứng, nhưng các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam không thể đáp ứng được. Việc thiếu các sản phẩm CNHT nội địa, dẫn tới mỗi năm, nước ta phải nhập khẩu linh, phụ kiện trị giá hàng chục tỷ USD. Trong đó, riêng sản phẩm nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô-tô đã lên đến 30 tỷ USD.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT thành phố Hà Nội Nguyễn Hoàng cho biết, khi bắt đầu mở cửa thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, ngành CNHT đã có cơ hội để phát triển. Nhưng lúc đó chúng ta chưa xây dựng được chính sách thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất cho doanh nghiệp FDI, cũng chưa có sự ràng buộc các doanh nghiệp FDI phải đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa, cho nên đã để vuột mất cơ hội. Hầu hết doanh nghiệp trong nước không chú trọng sản xuất sản phẩm CNHT.

Tuy có xuất phát điểm chậm và thấp, nhưng cộng đồng doanh nghiệp CNHT vẫn lạc quan cho rằng, thị trường cho sản phẩm CNHT đang có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển. Thu hút đầu tư FDI vào Hà Nội ngày càng tăng, nhu cầu tìm đối tác cung ứng nội địa của các doanh nghiệp này cũng tăng theo. Không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, sản phẩm CNHT còn xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Bên cạnh việc chủ động nắm bắt, đổi mới, các doanh nghiệp CNHT cũng mong mỏi nhà nước, thành phố Hà Nội có sự quan tâm hỗ trợ hiệu quả cho lĩnh vực quan trọng này. Có những kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển số doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNHT chiếm từ 5 đến 10% tổng số doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2020.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất HIKARI P&T Việt Nam Nguyễn Ðức Cường mong muốn nhà nước và thành phố xem xét có thêm các chương trình xúc tiến hợp tác, kết nối giao thương. Các doanh nghiệp FDI lớn sẽ thúc đẩy những doanh nghiệp Việt Nam sản xuất linh phụ kiện cung cấp cho họ, từ đó giúp doanh nghiệp trong nước trực tiếp tham gia vào chuỗi sản xuất. Với các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Hà Nội, nhận được cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, cũng cần cam kết tỷ lệ nội địa hóa, sử dụng linh kiện, phụ liệu do doanh nghiệp CNHT trong nước sản xuất.

Giám đốc Công ty TNHH Nhật Minh Phan Thị Minh đề xuất, sau hơn mười năm thiết kế gia công khuôn mẫu và sản xuất chi tiết nhựa cho ngành công nghiệp điện tử, ô-tô, xe máy, doanh nghiệp kiến nghị nhà nước và thành phố Hà Nội nên có những chính sách rõ ràng hơn, cụ thể hơn cho lĩnh vực CNHT. Không phải chỉ dừng ở việc hỗ trợ mà còn phải đồng hành với doanh nghiệp, có những cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai, vay vốn... CNHT hiện có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng nếu thiếu mặt bằng sản xuất, lãi suất ngân hàng cao... thì đơn vị cũng thiếu điều kiện để phát triển.

Giai đoạn 2017 - 2020, thành phố Hà Nội đã ban hành Ðề án tiếp tục phát triển CNHT, mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 900 doanh nghiệp chuyên sâu về lĩnh vực này. Trong đó có 40% số doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Ðể thực hiện được điều này, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Thị Thu Hằng cho rằng, Hà Nội cũng như cả nước phải thay đổi phương thức hỗ trợ doanh nghiệp CNHT. Nên tập trung các nguồn lực đủ mạnh đầu tư cho chương trình hành động tạo ra bước đột phá cho CNHT. Bởi nếu ngành CNHT không phát triển, nước ta sẽ rất khó có được những doanh nghiệp công nghiệp lớn, ngang tầm thế giới.

 

NGUYÊN TRANG

 

Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji
 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Sien I&D
Vesta
 Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ Hà Nội